Du lịch Singapore: ngày một

Tiếp theo bài viết về kinh nghiệm tìm việc ở Singapore được vài người đọc ủng hộ, tôi xin mạn phép chia sẻ những gợi ý cho một chuyến du lịch đến đảo quốc sư tử.

Ngày nay, khi môi trường làm việc ngày càng chật chội và căng thẳng, nhu cầu du lịch càng tăng cao. Tiềm năng du lịch của Việt Nam là vô cùng, nhưng có lẽ chính chất lượng dịch vụ đánh đu làm nản lòng nhiều du khách. Hơn nữa, du lịch nước ngoài, đặc biệt là sang các nước trong khu vực, đang trở thành xu thế hấp dẫn. Càng có nhiều người đến Singapore để chiêm nghiệm sự khác biệt ở giữa các nét văn hóa hội tụ, đồng thời thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Đất nước Singapore nhỏ bé, không có những danh lam thắng cảnh đặc sắc. Cái người ta tìm thấy ở đây là chất lượng dịch vụ, văn minh và hiện đại hóa.

Chuyến đi bắt đầu từ việc đặt vé máy bay. Trừ những ai rộng rãi về tài chính, nhiều người lựa chọn chính sách tiết kiệm cho chi phí đi lại. Tùy từng thời điểm, bạn có thể dễ dàng chọn được cặp vé khứ hồi với mức trên dưới hai triệu đồng (khoảng S$150) từ các hãng hàng không giá rẻ như: Tiger Airways (tigerairways.com), Jetstar Asia Airways (jetstar.com)… Lưu ý: khi đặt vé, nhớ xem kỹ lựa chọn hành lý ký gửi nếu bạn muốn mua sắm nhiều.

Hành khách là người Việt Nam chỉ cần mang hộ chiếu hợp lệ đến cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) sẽ được cấp phép xuất cảnh. Có một điều trái khoáy là trước khi làm thủ tục lên máy bay, các nhân viên sân bay yêu cầu bạn phải xuất trình vé chuyến về hoặc đi tiếp. Họ bảo đây là quy định từ phía nước bạn, mà trường hợp này là Singapore!? Tôi đã nhập cảnh vào Singapore rất nhiều lần nhưng chưa khi nào được yêu cầu phải xuất trình như vậy cả. Nếu hiểu theo quy định này, bạn sẽ không thể thực hiện một chuyến du lịch tự túc với ngày về chưa xác định.

Khi đến Singapore, thị thực sẽ được cấp ngay tại cửa khẩu. Visa du lịch cho phép bạn lưu trú trong vòng 30 ngày. Cũng xin nhắc nhở, lúc trên máy bay, tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn tờ khai nhập cảnh, gọi là Immigration White Card (IMM27). Bạn nên tranh thủ điền đầy đủ thông tin để khỏi phải mất thời gian về sau. Quá trình làm thủ tục nhập cảnh rất mau lẹ và khách quan. Sau đó, bạn nhận lại hành lý ký gửi (nếu có) trước khi rời khỏi sân bay vào thành phố.

Giao thông công cộng ở Singapore vô cùng thuận tiện với hệ thống xe buýt, xe điện (MRT) và taxi. Thông thường, chuyến xe buýt và xe điện cuối cùng rời ga vào lúc 11g30 tối. Trạm xe điện nằm ở Terminal 2, Changi Airport. Bạn có thể mua vé một lượt (standard ticket) hoặc nhiều lượt (EZ-Link card) tại quầy vé. Nếu chưa quen với hệ thống giao thông và đường sá, bạn có thể nhanh chóng đón taxi vào thành phố. Taxi ở đây lịch sự và đáng tin cậy; bạn không phải lo mặc cả về chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, nếu đi sau 12g đêm đến 6g sáng, bạn sẽ phải trả thêm phụ phí.

Ngày đầu tiên, bạn có thể tham quan đảo Sentosa. Đây là một đảo nhỏ nhân tạo nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút. Bạn nên dành một ngày để khám phá hết các điểm du lịch trên đảo. Để đến đảo Sentosa, cách đơn giản nhất là mua vé xe điện trên không (Sentosa Express, giá hai lượt là S$6) tại VivoCity (sảnh L, lầu 3), nằm ngay HarbourFront MRT. Tại đây, bạn có thể mua vé cho các trò chơi trên đảo. Thông thường, bạn nên đến khoảng 9g sáng để khỏi phải xếp hàng lâu. Ban ngày thích hợp để đi dạo bờ biển, chụp ảnh kỷ niệm, và tham quan các điểm như: Imbiah Lookout (The Merlion – S$8, Images of Singapore – S$10, Sentosa 4D Magix – S$18, nhớ xem phim Extreme Log Ride), Siloso Point (Underwater World Singapore and Dolphin Lagoon – S$22.90) và Resorts World Sentosa (Universal Studios Singapore – S$66-72). Buổi tối có hai xuất xem nhạc nước hoành tráng (Songs of the Sea – S$10) vào lúc 7g40 và 8g40. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin và đặt vé qua mạng tại sentosa.com.sg.

Sau khi xem nhạc nước trở về, thật không còn gì bằng thưởng thức đặc sản cháo ếch tại khu Geylang. Cháo được nấu nhừ, đặc quánh, ăn cùng ếch kho với hành lá và ớt khô. Từ Kallang MRT đi dọc theo đại lộ Sims Ave, cắt ngang bởi vô số các con đường nhỏ từ Lorong 1 đến Lorong 42 Geylang, bạn sẽ bắt gặp nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn, câu lạc bộ và cả các quán nhậu ven đường. Sinh hoạt về đêm nơi đây thật náo nhiệt với đa số là người dân lao động. (Nhiều người gọi nơi này là “khu đèn đỏ.”) Bạn có thể thử quán cháo ếch trên đường Lorong 11 Geylang. Quán khá nhỏ, giá cả phải chăng, phục vụ rất mau lẹ. Với khoảng S$50 đủ cho nhóm từ 2-4 người (giá tham khảo: S$8/con ếch, mua 3 tặng 1: giá S$22, mua 4 tặng 3: giá S$30). Ngoài ra, đầu đường Lorong 1 Geylang còn có một quán lớn khá nổi tiếng, thực đơn đa dạng, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn những thực khách khó tính nhất.

(Còn tiếp…)

Advertisement

Phan Thiết: lần hai

Cuối tuần rồi (27-28/05/2006) tôi cùng với 17 người bạn công ty B.A.O. Solutions có một dịp viếng thăm bãi biển Phan Thiết. Biển Phan Thiết xanh trong với bờ cát trắng và những cây dừa cao đứng nghiêng mình ra phía biển…

Từ tờ mờ sáng (5g30) tôi đã có mặt tại ga Sài Gòn. Đến nơi, chưa thấy bóng dáng chủ xị đâu cả, tôi mới gọi điện thoại hỏi thăm chị bạn thì mới biết mình là người đầu tiên đến chỗ hẹn. Đứng chờ ít lâu, mọi người bắt đầu tập trung gần như đầy đủ, chỉ trừ cô thủ quỹ đang giữ vé của tất cả mọi người và một anh bạn khác, tôi chưa biết mặt. Khoảng 6g20 thì mọi người được phép vào ga chuẩn bị gửi xe và lên tàu. Khách gửi hành lý hay xe máy đi theo lối riêng. Tất cả xe máy được yêu cầu mở bình xăng để nhân viên bến bãi “rút xăng” cho thật cạn kiệt, có ít rút ít có nhiều rút nhiều. Do được dặn dò từ trước, mọi người tổn thất cũng không đáng kể. (Nếu bạn có gửi xe máy, nên nhớ chừa xăng càng ít càng tốt.)

6g45 tàu bắt đầu lăn bánh. Chúng tôi có mặt tại toa số 04 do công ty SP Travel (Sài Gòn – Phan Thiết Travel?) quản lý với nhân viên và phục vụ riêng. Mọi người ổn định chỗ ngồi, bắt đầu các mẩu chuyện nhỏ. Hơn 11g, chúng tôi đến ga Phan Thiết. Sau khi nhận xe ký gửi, cả nhóm chạy theo đường Thủ Khoa Huân khoảng 26km tới khu resort bãi biển Mũi Né, Phan Thiết.

Buổi trưa hôm thứ Bảy (27/05), bọn đàn ông dũng cảm xuống tắm biển, trong khi phái yếu trú nắng! Bãi biển Phan Thiết hoang sơ với bờ cát trắng dài, ít rác, thưa du khách. Nhìn toàn cảnh, biển trời xanh trong và hàng dừa đứng nghiêng mình, khó ai còn giữ lại những căng thẳng, mệt mỏi do áp lực công việc tuần qua. Đến khoảng gần 4g chiều, các chị em nhà ta mới bắt đầu xuất hiện với đủ màu sắc. Cả nhóm, người thì tắm biển, người chơi bóng, người chơi trò rồng rắn, lùa vịt… đến sập tối mới giải tán. Buổi tối, mỗi xe một cặp, chúng tôi chạy về hướng thành phố để tìm chỗ… ẩm thực. Ở đây có khá nhiều hải sản tươi sống với giá chấp nhận được. Màn này thì ai cũng thoải mái vui vẻ, chỉ trừ cô bạn thủ quỹ vừa mới giải phẫu phải kiêng cử đủ thứ.

Khuya hôm đó, sau khi quây quần chập hai ngoài bãi biển, mọi người về phòng. Trong những cuộc họp mặt, đánh bài là môn khó thiếu. Vừa ồn ào cười nói vui vẻ, vừa tập trung nặn, vuốt, cả nhóm hơn 10 người (mà tôi thì không thiếu) lên sòng gần 2g sáng mới tạm chia tay, chờ sáng gặp lại.

Hôm sau, chúng tôi chinh phục Đồi Cát Bay, Hòn Rơm. Đồi cát vàng, không cao lắm, bao quanh một bên là biển một bên là những rặng cây cao. Ai lãng mạn sẽ thấy nơi này thật thơ mộng. Tôi thì mải mê với trò chơi trượt cát – cảm giác thật hào hứng, tuy mồ hôi mồ kê nhuễ nhại. Gần 10g, chúng tôi bắt đầu quay lại resort cách đó 13km. Chuyến đi nào cũng có những dấu ấn. Giữa đường, chúng tôi thấy từ xa có cảnh sát giao thông đang kiểm tra. Thế là cả nhóm hoảng loạn quay xe lại, vì một số người không mang theo giấy tờ xe. Tính đường chắc ăn, chúng tôi hỏi thăm mấy chú xe ôm, chạy đường vòng. Trưa nắng, lạ đường, cả nhóm đi lạc, hỏi thăm vài lần mới được đường về nhà. Bây giờ nghĩ lại, cảm giác lúc đó thật ly kỳ! Cũng nhờ vậy mà chúng tôi tham quan được những nơi ẩn của thành phố Phan Thiết. Chắc bạn phải tự khám phá mới sống được cái cảm giác của bọn tôi. Try it!

Sau khi thu dọn hành lý, chúng tôi xé lẻ đến ga Phan Thiết chờ cuộc hành trình quay về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi ngắn mà vui này.

Thông tin tham khảo:

  • Vé khứ hồi Sài Gòn – Phan Thiết (giá giảm): 45,000 đồng/chuyến/người.
  • Phí gửi xe máy: 20,000 đồng/xe/lượt (cộng với phí bốc vác xe lên xuống 10,000 đồng/xe/lượt).
  • Khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 6g45, từ ga Phan Thiết lúc 13g55.
  • Liên hệ: 01 Nguyễn Thông, q.3, tp. HCM, ĐT: (08) 8436528 – 01 Hoàng Hoa Thám, tp. Phan Thiết, ĐT: (062) 821161 – 833952.
  • Giá phòng ở: trung bình 200,000 đồng/phòng/4-5 người.
  • Các chi phí cá nhân khác.

Đây là bức ảnh thích nhất chụp được trong chuyến đi.

A solo photo of mine

A “solo” photo of mine

Một ngày chùa Hương

“Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương…”

(Hôm qua em đi chùa Hương, Nhạc: Trung Đức – Thơ: Nguyễn Nhược Pháp)

Chùa Hương trong suy nghĩ của nhiều người như chốn bồng lai tiên cảnh ở hạ giới? Và chúng tôi đã có một chuyến đi như thế…

Khởi hành từ lúc 5g sáng, chúng tôi đi bộ men theo đường ray xe lửa qua phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chờ một người bạn đi cùng. Cả ba chúng tôi đi bộ đến công viên Lênin đón tuyến xe buýt số 02 (Bác Cổ – Ba La), chạy ngang bến xe Hà Đông. Sau đó, chúng tôi mua vé xe buýt đi Đục Khê, giá 15 ngàn/vé. Chiếc xe đầu tiên khởi hành lúc 7g kém 15. Hôm đó có khá nhiều hành khách đi lễ chùa Hương như bọn tôi.

Đường đi khá xa (hơn 50km), qua những cánh đồng lúa còn chưa trổ đòng đòng, qua cả những khu nhà ngói cổ lụp xụp ven đường. Đến nơi khoảng 8g, chúng tôi đi bộ một quãng tới chỗ bán vé tham quan khu danh thắng chùa Hương. Bám sát theo chúng tôi là những chị chèo thuyền. Nhiều chị nằng nặc bọn tôi đi theo thuyền của họ, không cần phải mua vé của nhà nước làm gì. Họ còn đảm bảo chừng nào về mới nhận tiền. Cảnh tượng bắt đầu bát nháo ngay cổng soát vé khi nhiều du khách muốn mua vé và các lái thuyền nài nỉ đừng mua? Để tránh những chuyện rắc rối về sau, chúng tôi quyết định mua vé, giá 35 ngàn/vé. Bấy giờ thì điều trái khoáy đã xảy ra: hai chị chèo thuyền cứ van nài – “Đừng mua vé mà!”, còn chú bán vé thì kiên quyết chỉ bán cho chúng tôi hai vé. Đứng cạnh bàn bán vé, một chú khác lại to tiếng – “Khách đã yêu cầu mua vé, thì anh phải bán vé!”

Thoát khỏi khung cảnh náo nhiệt kia, chúng tôi qua cổng, đi bộ theo con đường hai bên là các quán cóc mọc nối đuôi nhau, đầy lời mời gọi. Con đường chật hẹp vung vãi đủ thứ rác dẫn ba chúng tôi đến bến tàu ngổn ngang những chiếc thuyền ba lá xinh xinh bằng sắt sơn đỏ thẫm. Một chú lái thuyền hướng dẫn chúng tôi xuống thuyền. Thật từ từ, chúng tôi phải bước qua những chiếc thuyền khác mới lên được thuyền của chú.

Chiếc thuyền ba lá chở ba chúng tôi, một cô du khách nữa và chú lái thuyền. Lòng rộn ràng háo hức, chúng tôi nhìn những chiếc thuyền khác đang rời bến. Cái không khí trẩy hội chùa Hương thật sự đang đến gần, mặc dù hôm đó không đông đúc như những ngày đầu lễ hội. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi thuyền quay ngược lại đầu bến, chú lái thuyền giải thích – vì chúng tôi mua vé nhà nước, chú phải lên trạm kiểm soát làm thủ tục mới được xuất bến. Chiếc thuyền rời bến Đục xuôi theo dòng suối Yến dẫn chúng tôi vào đền Trình (Ngũ Nhạc linh từ).

Bước lên bờ, một chị ân cần mời gọi chúng tôi viết sớ thay cho lời khấn. Trong lúc chờ hai người bạn của mình trao đổi thông tin với các cụ viết sớ, tôi quan sát ngôi đền cổ kính những tường rêu xám xịt, khói bay nghi ngút. Ở đây có đủ người dân đến từ mọi nơi, mọi tầng lớp. Đối diện với chỗ chúng tôi, vài chú lái thuyền ngồi xơi nước hút thuốc lào chờ những vị khách của mình trở ra. Sau khi hoàn thành bộ sớ của mình (mỗi bộ gồm bốn sớ trình bốn nơi, giá tổng cộng 20 ngàn), hai người bạn của tôi còn được hướng dẫn mua lễ trình. Ở đây có hai loại lễ giá 30 ngàn hoặc 50 ngàn: gồm một bó hoa nho nhỏ, mấy cái bánh in be bé hình chóp nón, đôi ba sấp tiền vàng mã và vài thứ linh tinh khác. Cả ba chúng tôi bắt đầu đi vào ngôi đền. Trong đền có rất nhiều người đang khấn vái gì đó không biết. Hai người bạn của tôi cũng được hướng dẫn nghi thức trình lễ và cầu nguyện. Tôi chỉ đứng quan sát qua loa rồi ra ngoài chờ. Một lát sau, mọi người đã tập trung đầy đủ, chúng tôi rời đền Trình tiếp tục cuộc hành trình.

Đi thuyền trên dòng suối hai bên bờ là các dãy núi chạy dọc rồi nhập vào nhau cuối tầm nhìn, thật là thú vị! Núi ở đây không cao, mọc san sát nhau. Tất cả đều phủ cái màu xanh thăm thẳm của cây rừng, lác đác những bệt hoa gạo đỏ rừng rực. Rồi đưa nhẹ bàn tay khoát làn nước trong xanh, mát rười rượi. Suối ở đây cũng khá cạn, mọc đầy rong rêu, phía dưới từng đàn cá thi nhau lội. Toàn cảnh cứ như một hòn non bộ khổng lồ của thiên nhiên.

(to be continued)

Thưởng ngoạn vịnh Hạ Long

Hôm đó, chúng tôi thức dậy khoảng hơn 9 giờ sáng. Chúng tôi đón một chiếc xe ôm đến bến tàu du lịch để tham quan vịnh Hạ Long. Từ khu khách sạn Vườn Đào đến đây hơn 3km dọc theo đường Hạ Long, một bên là vịnh, một bên là đồi. Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy nhiều chiếc thuyền lớn nhỏ nằm đầy trên cảng chờ ra khơi. Một chị chủ tàu đi theo chúng tôi, sau cái khoác tay của anh lái xe ôm. Chị giới thiệu ngay với chúng tôi các loại hành trình tham quan vịnh. Không cau có, mà ân cần, chị hướng dẫn chúng tôi vào mua vé tàu và vé tham quan. Vì “đoàn” chúng tôi chỉ có hai người và là sinh viên, chị khuyên mua vé đi ghép với đoàn khác. Thật không may cho bọn tôi, hôm ấy là ngày đầu tuần nên ít khách, khó mà tìm được đoàn khác để đi ghép. Thế là chị bắt đầu cò kè chúng tôi thuê tàu riêng để đi. Ở đây có nhiều loại tàu lớn nhỏ, trung bình mỗi tàu chở khoảng từ 20 khách tham quan. Có ba loại hành trình: 4, 6 và 8 giờ. Tuỳ theo hành trình mà số lượng đảo đi ngang cũng nhiều hay ít. Nếu đến đây vào những ngày cuối tuần, nhất là mùa hè, thì rất dễ mua vé đi ghép, mà vé cũng rất rẻ. Nếu không, phải chờ để đi chung với đoàn khác, hoặc phải thuê tàu riêng. Tiền thuê tàu đương nhiên là rất đắt. (Tàu đi 4 giờ cũng khoảng ba trăm rưỡi ngàn). Ngoài vé tàu, mỗi khách phải mua thêm vé tham quan: 30 ngàn/vé. Vé tham quan cũng có 2 loại: động Thiên Cung – hang Đầu Gỗ hoặc hang Sửng Sốt, và các đảo khác. Hai chúng tôi cuối cùng cũng mua được vé 6 giờ tham quan tuyến thứ nhất (động Thiên Cung – hang Đầu Gỗ).

Chúng tôi được hướng dẫn lên tàu. Cả đoàn gồm 7 khách, 1 thuyền trưởng và 1 phụ lái. Cái không khí khi mới lên tàu thật là ngột ngạc với những ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên của 5 vị khách kia, khi thấy hai chúng tôi ngồi trong khoang thuyền trưởng. Thật ra, ngay từ khi mua vé, chúng tôi đã quan sát được rằng mình đã được “sắp xếp” để đi ghép, với tư cách “người quen của thuyền trưởng.”

Chiếc tàu loại trung bình chở được 25 hành khách chạy chầm chậm xa bờ, chở theo bầu không khí nặng trĩu. Được một quãng, chúng tôi bắt đầu thấy rõ hơn xa xa vô số các hòn đảo lớn nhỏ chắn hết tầm nhìn. Cả vùng vịnh Hạ Long có 1969 đảo lớn nhỏ, trong đó có 989 đảo có tên. Nước ở đây trong xanh lác đác những cánh buồm, những con thuyền be bé của vài ngư dân và của những người bán hàng trên biển. Cảnh thiên nhiên êm đềm thơ mộng, làm cho chúng tôi quên hết những căng thẳng lúc nãy. Chúng tôi bắt đầu ra hai bên mạn thuyền ngắm vịnh, nhìn những hòn đảo không biết có tự bao giờ, và chờ đợi chuyến hành trình phía trước.

Chúng tôi ghé vào đảo Đầu Gỗ (trước đây còn có tên gọi là đảo Canh Độc). Trên đảo có động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ. Ở đây, trưởng đoàn có thể yêu cầu hướng dẫn viên miễn phí. Vào sâu trong động Thiên Cung, vẻ đẹp kiều mỹ bí ẩn của tạo hoá lộ dần qua những khối thạch nhũ khổng lồ. Theo lời gợi mở của hướng dẫn viên, vô số những hình ảnh hiện ra trong trí tưởng tượng của mỗi du khách. Mặc dù ánh sáng trong động đã được bàn tay con người lắp đặt theo chủ ý, cái vẻ đẹp của thiên nhiên đủ mạnh để lôi cuốn sự chú ý người thưởng lãm. Từ động Thiên Cung đi dọc theo những bậc thang cheo leo khoảng 200m sẽ tới hang Đầu Gỗ. Hang Đầu Gỗ gắn liền với những dấu ấn lịch sử. Vẻ giản dị, mộc mạc ở đây một lần nữa làm say mê người xem với lời giới thiệu lôi cuốn của chị hướng dẫn viên nhiệt tình. Ra khỏi hang, chúng tôi còn thấy bia đá của vua Khải Định, một trong hai chính khách đầu tiên đặt chân đến đây.

(to be continued)

Vịnh Hạ Long: đêm đầu tiên

Cái cảm giác đầu tiên khi đi trên chuyến tàu khách từ bến xe Gia Lâm, Hà Nội đến Bãi Cháy, Hạ Long thật là khó tả (khủng khiếp). Xe khởi hành khoảng 3:30 chiều. Sau khi “làm thủ tục bến bãi” hơn mười lăm phút trong sự bồn chồn của vài hành khách, xe bắt đầu lăn bánh. Chỉ được một quãng ngắn, xe dừng lại đón thêm một hành khách – thanh niên, ăn mặc gọn gàng. Vừa lên xe, anh ta nhấc chiếc điện thoại ríu rít gì đó rồi kêu anh lơ xe quay lại đón thêm người bạn. Anh lơ xe vẫn tỏ thái độ vui vẻ; chiếc xe quay lại ngay ngã ba, nhưng không thấy người khách kia. Cả hai bắt đầu lo lắng. Anh lơ xe yêu cầu người trên xe gọi lại, thì thấy người bạn của mình đang đứng phía trước chỗ đèn giao thông. Anh nhanh chân bước lên xe, cả đoàn xe vui vẻ rời bến. Trên xe lúc này vẫn còn vắng khách, tôi nghĩ mình có thể tận dụng hàng ghế phía sau để đánh một giấc. Thế rồi…

Chiếc xe chạy trên con đường ngoại ô thủ đô. Hai bên đường tươi nguyên cái màu thảm xanh của những cánh đồng lúa non mơn mởn. Thỉnh thoảng bắt gặp vài người nông dân chạy xe đạp bán nông sản. Nào khớm (thơm), nào bắp cải vừa to vừa tươi. Một quãng nữa, lại thấy vài chị bán khoai bên lề đường. Khung cảnh thật yên bình của cảnh nông thôn Việt Nam đơn sơ, mộc mạc. Đột nhiên, xe chạy chậm dần, rồi dừng lại. Anh lơ xe nhảy xuống đón một vài hành khách nữa lên xe. Bây giờ thì chiếc xe đã bắt đầu đủ khách. Nhưng tình hình không dừng lại ở đó, mà còn tiếp tục cho đến khi xe đã đầy ắp. Khi xe chạy đến Hải Dương, lái xe vẫn không ngừng vớt từng người khách đứng đón bên lề đường. Thi thoảng, nhìn qua cửa sổ, thấy có xung đột nhỏ giữa các lơ xe và hành khách, khi họ không chịu lên xe…

Khi xe đến nơi, thành phố Hạ Long đã lên đèn. Ngoài trời bây giờ, mưa phùn đang rơi lã chã. Vài cơn gió nhẹ thổi qua mang theo cái lạnh lan toả toàn cơ thể. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân trên phố Vườn Đào là các khách sạn mini. Dường như cả con phố chỉ toàn khách sạn và khách sạn. Nhà ở đây không cao lắm, chỉ từ 5-7 tầng. Bọn tôi đến số 32, một căn nhà có vẻ hơi tối. Đón tiếp chúng tôi là một cô chủ tuổi ngoài bốn mươi, đang ngồi ăn tối một mình. Cô hỏi chúng tôi có phải là sinh viên? Chúng tôi gật đầu. Cô bảo, cô rất quý sinh viên, cứ ở thoải mái, cô không tính tiền đắt đâu mà sợ. Bọn tôi được cô dắt lên phòng xem qua. Cả hai đều đồng ý, thế là một buổi tối đầu tiên đã đến.