Do chỗ làm hiện tại nằm cách xa trung tâm nên thường ngày, tôi mất khoảng bốn mươi phút đi xe buýt. Lên xe, tôi lúc nào cũng bận rộn với chiếc điện thoại, không nghe nhạc xem phim thì cũng tranh thủ cập nhật tin tức, hay trò chuyện với mấy người bạn khác múi giờ. Cũng có khi bất chợt lòng mênh mang, tôi ngồi lặng yên nhìn cảnh vật hai bên đường.
Singapore không có những cánh đồng bát ngát; và thiên nhiên thì đã được con người vun vén. Nhưng đi đâu cũng thấy hàng cây xanh tốt, rong rêu bám đầy, làm gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một miền quê yên bình. Quê hương–ai đi xa có nhớ? Với tôi thì nó đã nằm trọn trong trái tim.
Quê hương của tôi là con đường đi học những ngày còn thơ.
Con đường quê rợp bóng mát, uốn lượn dưới liếp dừa xanh, một bên là dòng sông hiền hòa, neo đậu mấy chiếc xuồng con. Mùa khô, con đường vàng tia nắng, đất nứt nẻ khát khao vì đợi chờ, đâu đó còn in đôi bàn chân bé xíu. Đi học về qua đoạn cát trắng, tôi kiếm tìm mấy tổ cút tròn xoe ngộ nghĩnh. Thấy tổ nào to sâu, tôi phồng mang thổi, bắt về mấy con cút bé xíu, bỏ vô cái muỗng dừa, rồi đổ đầy cát cho chúng làm tổ. Không gian chật chội, từng tổ cút chen nhau như những bông hoa đất trông thật đẹp.
“Cút cụt đuôi ai nuôi cút lớn?
Cút lấy chồng ai bồng cút con?”
Mùa mưa, đường lầy lội như cánh đồng mới kéo cày, mùi bùn non xốc lên tới mũi. Mỗi lần đi học tôi xăn quần quá đầu gối, tay ôm cặp tay xách dép, phải hết sức nhẹ nhàng tránh làm lấm chiếc áo trắng tinh. Nói thiệt là tôi rất thích đặt bàn chân trần lên từng thớ đất trơn mềm. Lúc đó tôi còn chưa biết mùi cực khổ, được đi học đã là niềm vui.
Mấy lúc mưa to, tôi xin đục ở ngôi nhà ven đường, mà cũng chỉ được đứng ngoài hành lang vì chân dính đầy bùn đất. Áo mưa của tôi là miếng mũ vuông vức khoác lên người như tấm áo choàng. Bữa nào trễ tôi mặc vào đại, rồi lao mình dưới cơn mưa xối xả, đầu đội chiếc nón kết ba mua cho.
Con đường vắng chỉ mình tôi nghe từng tiếng lộp độp trên đầu. Được một đoạn, nước mưa rút vào nón nặng trĩu, tôi bước chân càng nhanh. Ấy vậy mà ngày nào cũng đến trường đúng giờ, chưa khi nào bỏ học.
Trước khi vào lớp, tôi tạt ngang cầu tàu để rửa chân. Đó là một bến tàu nhỏ ghe xuồng tấp nập, luôn nhộn nhịp tiếng bước chân của mấy chú làm công vác nước đá. Nước lớn đứng trên bờ có thể thòng chân xuống rửa, nước cạn phải lội xuống một đoạn. Mé sông rất lài, lởm chởm đầy cọc nhọn cùng vô số viên đá lớn nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi còn bắt gặp mấy đứa con nít đang lượm ve chai hay đi chài nước cạn…
(Còn tiếp)