Con đường

Do chỗ làm hiện tại nằm cách xa trung tâm nên thường ngày, tôi mất khoảng bốn mươi phút đi xe buýt. Lên xe, tôi lúc nào cũng bận rộn với chiếc điện thoại, không nghe nhạc xem phim thì cũng tranh thủ cập nhật tin tức, hay trò chuyện với mấy người bạn khác múi giờ. Cũng có khi bất chợt lòng mênh mang, tôi ngồi lặng yên nhìn cảnh vật hai bên đường.

Singapore không có những cánh đồng bát ngát; và thiên nhiên thì đã được con người vun vén. Nhưng đi đâu cũng thấy hàng cây xanh tốt, rong rêu bám đầy, làm gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một miền quê yên bình. Quê hương–ai đi xa có nhớ? Với tôi thì nó đã nằm trọn trong trái tim.

Quê hương của tôi là con đường đi học những ngày còn thơ.

Con đường quê rợp bóng mát, uốn lượn dưới liếp dừa xanh, một bên là dòng sông hiền hòa, neo đậu mấy chiếc xuồng con. Mùa khô, con đường vàng tia nắng, đất nứt nẻ khát khao vì đợi chờ, đâu đó còn in đôi bàn chân bé xíu. Đi học về qua đoạn cát trắng, tôi kiếm tìm mấy tổ cút tròn xoe ngộ nghĩnh. Thấy tổ nào to sâu, tôi phồng mang thổi, bắt về mấy con cút bé xíu, bỏ vô cái muỗng dừa, rồi đổ đầy cát cho chúng làm tổ. Không gian chật chội, từng tổ cút chen nhau như những bông hoa đất trông thật đẹp.

“Cút cụt đuôi ai nuôi cút lớn?
Cút lấy chồng ai bồng cút con?”

Mùa mưa, đường lầy lội như cánh đồng mới kéo cày, mùi bùn non xốc lên tới mũi. Mỗi lần đi học tôi xăn quần quá đầu gối, tay ôm cặp tay xách dép, phải hết sức nhẹ nhàng tránh làm lấm chiếc áo trắng tinh. Nói thiệt là tôi rất thích đặt bàn chân trần lên từng thớ đất trơn mềm. Lúc đó tôi còn chưa biết mùi cực khổ, được đi học đã là niềm vui.

Mấy lúc mưa to, tôi xin đục ở ngôi nhà ven đường, mà cũng chỉ được đứng ngoài hành lang vì chân dính đầy bùn đất. Áo mưa của tôi là miếng mũ vuông vức khoác lên người như tấm áo choàng. Bữa nào trễ tôi mặc vào đại, rồi lao mình dưới cơn mưa xối xả, đầu đội chiếc nón kết ba mua cho.

Con đường vắng chỉ mình tôi nghe từng tiếng lộp độp trên đầu. Được một đoạn, nước mưa rút vào nón nặng trĩu, tôi bước chân càng nhanh. Ấy vậy mà ngày nào cũng đến trường đúng giờ, chưa khi nào bỏ học.

Trước khi vào lớp, tôi tạt ngang cầu tàu để rửa chân. Đó là một bến tàu nhỏ ghe xuồng tấp nập, luôn nhộn nhịp tiếng bước chân của mấy chú làm công vác nước đá. Nước lớn đứng trên bờ có thể thòng chân xuống rửa, nước cạn phải lội xuống một đoạn. Mé sông rất lài, lởm chởm đầy cọc nhọn cùng vô số viên đá lớn nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi còn bắt gặp mấy đứa con nít đang lượm ve chai hay đi chài nước cạn…

(Còn tiếp)

Advertisement

Khoảnh khắc

Đã tám năm nay, mỗi khi chạy bon bon trên đường về quê qua đoạn Long An, tôi không thể cưỡng lại việc ngắm nhìn những đồng lúa xanh ngát. Mấy lúc lúa vào mùa trổ bông, cả cánh đồng vàng rực một màu. Nhất là vào hoàng hôn, khung cảnh trông đẹp mắt như tranh vẽ. Tôi nhớ một chiều cách nay chừng năm năm, cũng trên đoạn đường ấy, tôi đã phải dừng xe để hít thở sự yên bình của đồng quê, rồi hòa mình vào thiên nhiên bát ngát. Lúc đó, tinh thần tôi cảm thấy thoải mái vô cùng. Nó khác xa với cảm giác ngột ngạt khó chịu chốn đô thị Sài thành. Nhìn những đứa trẻ nô đùa trên lưng trâu, cùng nhau chơi nhảy trên những cánh đồng, tôi chỉ muốn hòa vào cuộc vui.

Thời gian cứ thắm thoát trôi qua, rồi tôi cũng ra trường. Đoạn đường ngày nào giờ đã xấu đi nhiều, những cánh đồng xưa giờ đã thành những bãi đất trống. Mà theo tôi, đó là do những dự án phát triển đô thị. Tôi không còn nhìn thấy cảnh những đứa trẻ nô đùa như xưa. Và chính tôi cũng mất đi sự hồn nhiên thuở nào, thay vào đó là nỗi bộn bề lo toan cuộc sống. Có lúc tôi nghĩ, những cảnh vật đó có lẽ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc ấy, cho những con người ấy, cùng với một tâm hồn như thế. Như những kỉ niệm mà trong mỗi chúng ta vẫn còn lưu luyến. Như những nỗi niềm của một thời học sinh.

Tác giả: Mon
Nguồn: Facebook

Về quê

Hồi còn đi học, ngoài mỗi dịp nghỉ hè, chắc vui nhất là mấy lần được bạn bè rủ về quê chơi. Mà thực tế nơi tôi sinh ra và lớn lên vốn đã quê lắm rồi. Nhưng càng đi sâu vào những vùng xa xôi hẻo lánh, tôi càng thích thú.

Nếu nhớ không lầm, lần đó độ chừng năm lớp 6. Cô bạn học chung từ cấp I mời cả lớp về quê ngoại chơi. Tôi vô cùng sung sướng! Không hiểu sao mỗi khi nghe hai từ quê ngoại, tôi cảm giác có gì đó thân thuộc lạ lùng.

Hôm đó, sau năm tiết buổi sáng, cả bọn tập trung đông đủ tại sân trường. Chẳng biết có phải do lời mời ngẫu hứng, hay sợ không được đi, tôi quên xin phép ba mẹ. Thôi kệ, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò,” cứ đi quậy trước rồi tính.

Lớp tôi sĩ số tầm bốn mươi, trừ mấy đứa ngoan ngoãn không dám đi chơi xa, đa số đều ham vui. Trong lúc chờ tụi con gái đi chợ mua đồ nấu, bọn con trai rôm rã không biết chán. Còn tôi mệt mỏi đứng lừ đừ một chỗ.

Sân trường giờ tan học vắng hoe, ai về nhà nấy. Cả lá cờ cũng rũ rượi giấc ngủ trưa. Mùa thu, mấy cây me tây rụng lá, gió thổi rơi đầy một góc sân. Ẩn trong những cánh hoa li ti, vài con sâu đo cuốn mình kết kén. Giờ lên lớp sân trường ít ai qua lại, chỉ còn lưa thưa vài con chim nhảy nhót tìm mồi. Còn nhớ mấy tiết văn tẻ nhạt, tôi ngồi lim dim đưa mắt ra cửa sổ theo dõi đôi chim sẻ đang ríu rít. Thỉnh thoảng nhìn bọn chúng âu yếm, tôi cười mỉm…

Thoáng chốc đã nghe tiếng cười nói ồn ào ngoài cổng. Hôm nay cớ sao tụi con gái nhanh nhảu thế? Hay chợ cũng dọn rồi? Mà chắc không, do náo nức đi chơi đây mà. Rồi rộn rộn ràng ràng, từng tốp bốn năm chiếc xe chạy nối đuôi chủ xị.

Bình thường tôi hay bực dọc chiếc xe ba tôi ưa xiết cứng ngắt, đạp rất mỏi chân. Bữa nay tôi quên bẵng, chỉ thấy nôn nao dù bụng đang đói meo. Được một đoạn, tôi vượt lên nhóm này trêu một lát, rồi thả chân từ từ chờ nhóm sau chạy tới mà nghe ngóng. Có khi cố ý, tôi ghì lên đồ gác chân sau của thằng bạn cho nó kéo đi. Biết tôi hay phá, nó để yên không thèm nói. Đến khi lên dốc không nổi, nó bực mình quay lại quát. Tôi bỏ chân, ngoảnh mặt sang một bên, miệng huýt sáo tỏ vẻ không hay biết mô tê gì cả.

Trên cao mặt trời rọi thẳng đứng, ánh nắng chói chang làm mồ hôi nhễ nhại trên má, bụng lại thêm đói. Đường càng xa khung cảnh càng lạ, nhà cửa thưa thớt dần. Đi thêm một quãng cỡ từ nhà đến trường là tới ngã quẹo, chạy mon men theo con đường nhỏ hai bên ruộng bắp xanh rì. Một cơn gió thoảng mang hơi nước mát lạnh chạy luồn qua mặt. Tôi lâng lâng hít sâu hơi thở của đất sau cơn mưa vội.

Tốp đầu tiên dừng lại, cả bọn reo hò tưởng đã tới nơi. Rồi ai nấy thất thểu, nghe đâu còn phải cuốc bộ cả cây số. Tôi lại khoan khoái. Hiếm khi mới có dịp đông đủ thế này, mà đường quê thì mát rượi, có gì đâu. Thật ra, tôi đang nóng lòng chờ xem cảnh mấy đứa dân chợ đi cầu khỉ. Nghĩ cũng lạ, cây cầu dừa to đùng bắc ngang cái vũng nhỏ, đến xe máy còn chạy qua được. Vậy mà mấy cô tiểu thư miệt vườn lại không dám đi, năn nỉ cách gì cũng không chịu. Thấy nấn ná mãi cũng chán, quê thì cũng đã quê rồi, các nàng đành lủi thủi xách dép bò qua từ từ, trông vừa tội vừa buồn cười.

Đến nơi, từng nhóm vào nhà chào người lớn. Chưa kịp hỏi thăm dăm ba câu, cậu dì biết ý lật đật bỏ sang nhà hàng xóm chơi, để mặc cho tụi học trò tha hồ quậy. Lúc này, bọn con gái trổ tài nữ công gia chánh, tranh nhau bắc nước nấu cơm. Ai cũng tỏ vẻ thạo việc. Trong nhà, xoong chảo khua nhau cóc cách, kèm theo mấy tiếng í ới hỏi đồ. Ngoài vườn, lũ con trai tha hồ lục lọi kiếm trái cây ăn lót dạ.

Nhà ngoại có vườn mận hồng đào trĩu quả, trái nào trái nấy to mọng, da đỏ sần, cắn vô nghe ngọt lịm. Vài đứa con gái lười làm bếp, nghe rù rì nên đi theo hái mận. Rồi nguyên đám rủ nhau đi bơi xuồng đốn dừa nước. Trò này ly kỳ nhất. Chiếc xuồng nhỏ xíu mà mạnh ai nấy giành một chỗ. Mới nãy còn không dám đi cầu khỉ, giờ gan lì cãi nhau chí chóe, đòi đi cho bằng được. Tôi chậm chân nên đành đứng ngó.

Chiếc xuồng ba lá rời bến, mỗi đứa một khúc cây làm dằm, khiến nó chòng chành rồi quay vòng, ồn ào cả mé sông. Tôi ghét quá bỏ vô nhà chơi cho êm chuyện. Lát sau bỗng trời mưa to, thế là cả bọn ướt sũng, ghe cũng khẩm nặng, xém chìm. Đứa nào đứa nấy xanh mặt vội vàng bơi vô, lên được tới bờ mừng như sống lại.

Bấy giờ, món rau câu cũng đã chuẩn bị xong, mỗi đứa một chén. Nhưng chỉ ăn được một chút, rồi lẳng lặng nhìn nhau cười. Chưa bao giờ món khoái khẩu thời trung học lại dở tệ như thế. Coi như ăn nhà chòi, lần sau hy vọng khá hơn.

Mưa tạnh, mọi người bắt đầu ra về, kết thúc một bữa đi chơi nhớ đời.

Đi chài

Nhớ hồi nhỏ, con nít xóm tôi rất mê chơi. Sau giờ học, bọn tôi thường tụm năm tụm ba tổ chức những trò tập thể như: năm mười đá banh, đụng bắt, đá bò, dính chùm, ăn trái cây, bắt mò, đánh bài… Bọn tôi chơi với nhau rất thân thiết, vui vẻ, hòa đồng. Cứ thế xây dựng tình bạn ngày càng khắng khít, sớm tối có nhau.

Những hôm chơi chán, bọn tôi thường kiếm gì đó làm. Lúc thì đi câu cá lòng tong, cá bóng dừa, khi thì đi đặt nhá, đặt lợp, bắt còng, mò hến. Đứa nào cũng giỏi, vừa học vừa làm. Đi một buổi có thể kiếm được một mớ cá tép đủ ăn cho cả ngày. Mấy đứa có anh chị em thì chia việc nhau làm — đứa này đi nhá thì đứa kia hái rau nấu cơm, hoặc luân phiên.

Nhà tôi chỉ có ba người. Ngay từ nhỏ tôi đã không phải làm lụng vất vả như những đứa khác trong xóm. Công việc chính của tôi là ăn, học và chơi. Ba mẹ cũng chưa bao giờ đặt vấn đề, hay yêu cầu tôi phải làm việc gì. Biết vậy nên tôi rất ham học, cố gắng đạt nhiều thành tích để ba mẹ vui lòng. Trừ những hôm mê chơi bỏ bữa, nhất là hơn năm sáu giờ chiều mà chưa về tắm rửa ăn cơm, mẹ tôi kêu réo inh ỏi khắp xóm. Về nhà chắc chắn sẽ bị mắng cho một chập. Thường những lúc đó tôi hay cười trừ, hoặc giả đò kiếm chuyện gì đó hỏi han là mẹ tôi quên ngay.

Tuy ít được cho đi đâu xa, nhưng thấy bọn bạn hằng ngày mang về cả rổ cá tép, tôi ham lắm. Lúc nào tôi cũng kiếm cớ đi theo chơi, rồi dần dà bắt chước. Tôi nổi tiếng nhất xóm đi học rất chăm ngoan, nhưng đi làm thì rất tệ. Việc gì cũng thua sút người ta. Cùng đi chung một đám, nhưng tôi thường quay về với rổ ít nhất, thật đáng xấu hổ. Mẹ tôi hay khuyên lơi: “Con không có tay sát cá.” Cũng có khi mẹ mắng: “Câu không có bao nhiêu, nắng nôi, mất công tao mần cá!” Mẹ nói vậy để tôi chán nản mà bỏ cuộc, chứ tôi biết mẹ vui lắm. Vì tôi học lớn từng ngày, bước đầu biết tự kiếm miếng ăn…

Trong số những việc vừa làm vừa chơi, tôi thích nhất là đi chài. Hồi đó đời sống còn khó khăn, nhà nào khá giả và tin tưởng lắm mới dám mua một miệng chài cho con đi phá làng phá xóm. Để dụ mẹ tôi mua, cũng không phải việc dễ dàng gì. Tôi thường xuyên rỉ tai to nhỏ, thể hiện bằng thành tích học tập ở trường.

Rồi cái ngày chờ đợi cũng đến, mẹ đồng ý mua cho tôi một cái miệng chài. Tối hôm đó tôi háo hức chưa từng có, cứ trằn trọc không ngủ được. Học xong buổi sáng, tôi chạy riết về nhà để mong được thấy cái miệng chài mơ ước. Cuộc đời từ đây sang trang, được mọi người công nhận sự trưởng thành của mình. Và hơn hết, bọn kia cũng không còn cớ để xem thường khả năng của tôi. Tôi không chỉ biết học và chơi đâu nhé, tôi còn biết kiếm tiền nữa.

Về đến nhà, tôi chạy ù ra sau chái. Mẹ tôi treo sẵn cái miệng chài mới choang, lưới vẫn còn trắng tinh. Tôi đưa tay vuốt từ trên xuống dưới nghe cồm cộm, xách lên cảm giác hơi nhẹ vì bấy giờ tôi đã cao to hơn mấy đứa trạc tuổi. Bữa đó tôi chỉ muốn đi chài liền, nhưng chưa được. Miệng chài mới mua về phải qua công đoạn ngâm vỏ sắn và bện thêm lưới cho mấy khoen chì thêm chắc chắn. Bọn kia biết tôi có miệng chài mới, lũ lượt kéo qua xem, hỏi han đủ điều: “Cái này mua bao nhiêu dạ dì Năm? Mắc chì chưa?” Mẹ tôi trả lời, “bốn lăm ngàn, năn nỉ lắm người ta mới bớt được năm ngàn.” Rồi bọn nó trầm trồ: “Đã quá ta! Sướng rồi hén!” “Chứ sao!” — tôi vênh váo. Một lúc sau, rôm rã đã đời, bọn nó dắt tôi đi tước vỏ sắn.

Vỏ sắn đem về ngâm nước độ chừng ba hôm. Nước sắn tiết ra đen thùi, hôi rình mùi mủ. Trong khi chờ đợi, mẹ tôi gởi miệng chài đi mắc lại chì. Cậu Tư mắc rất nhanh, một buổi là xong. Mang về nhà, tôi treo lơ lửng mà tiếc nuối. Tôi cũng không dám lấy xuống chài thử vì sợ lấm đất. Mấy hôm liền tôi cứ mong mỏi, đành lủi thủi theo tụi kia coi cách tụi nó quăng chài.

Năm ngày sau, mọi thứ đã sẵn sàng, tôi khởi nghiệp — đi chài. Thời điểm thích hợp nhất là lúc nước vừa mới lớn, cá tép từ sông bơi vào vũng ăn mồi. Để chuẩn bị: cám mua về rang cho thật thơm, đất sét vò thành những viên to tròn. Tất cả bỏ chung vô thau, xóc đều cho cám dính đầy. Sau đó có thể đi rải mồi. Mỗi ổ chài, rải ba viên, chừa lại một viên làm dấu và rải đợt hai. Rải khoảng mười hai mươi ổ, tôi quay về rửa thau, nằm chờ chừng nửa tiếng rồi xách xô đi chài.

Tôi chài một mình, quanh mấy vũng gần nhà, lâu lâu rủ cô bạn hàng xóm đi chung. Cách nhà không xa, có mấy bờ dừa ít người lui tới, nhìn hoang vắng âm u không ai dám đi một mình. Hai đứa tôi chài chung riết rồi quen, cứ sau giờ học là lật đật xách thau vò mồi.

Đi chài nhiều khi rất mệt nhưng vui. Mấy lúc vò mồi, hai đứa thi hát với nhau. Đến giờ tôi vẫn không quên giọng ca ngọt như trái lý ấy: “Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà lòng anh thương quá…”

Có lần, thấy có buồng chuối già hương chín rộ, trái nào trái nấy to tròn nứt vỏ, thơm phưng phức, hai đứa khoái chí ngồi ăn ngon lành, bẽ thêm mấy nải về ăn tiếp.

Chài nước lớn chưa đã, hai đứa còn rủ nhau chài nước ròng, rồi chài nước cạn. Có ngày đi đến ba bốn bận. Thành ra nhiều khi hàng xóm phàn nàn, tụi mày chài miết không còn con tép nào dám béng mãn vô vũng. Mỗi lần như vậy, hai đứa bèn đổi địa bàn, đi càng xa hơn.

Lúc đầu đi chài về, mẹ tôi mần cá. Dần dần tôi tự mần lấy, rửa sạch để sẵn, mẹ chỉ nấu mà thôi. Bữa nào đồ ăn nhiều quá, tôi bưng đi bán, kiếm được dăm ba ngàn, tôi mừng lắm. Thế là từ đó có tiền mua báo Mực Tím về đọc. Mở đầu cho những câu chuyện khác.

Mưa hạ

Sáng nay đi làm, ngồi nhìn cơn mưa rơi tí tách từ khung cửa sổ xe buýt, tôi mơn man nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Sáu năm sống vội ở Sài Gòn, ngày qua mau đêm chóng tàn, không đọng lại nhiều ký ức. Mưa Sài Gòn, những cơn mưa ào ạt. Tôi lúc nào cũng vội vã, chen chúc từng khoảng trống trên đường để mau chóng về đến nhà. Rồi chui rút và cuộn mình, vui mừng vì vừa thoát khỏi cơn mưa bất chợt.

Nhớ hồi nhỏ, tôi thỉnh thoảng về quê ngoại. Quê ngoại nghèo, nằm sâu hun hút, đung đưa cầu khỉ. Muốn đi phải lặn lội qua bao ruộng mía, vườn dừa, bờ chuối… tưởng chừng lâu lắm mới có người đi ngang. Nhìn mấy cây dừa già khằn đứng trọi lõi, thân hằn sâu vết tích những viên đạn thời xưa như những con mắt dõi theo vết chân người. Những liếp mía xanh rì mọng nước, gió vi vu làm những chiếc lá cọ vào nhau nghe rờn rợn. Những bụi chuối um tùm, lá cụp xuống tựa những bàn tay muốn níu với. Mấy mùa nước lớn phải lội qua dăm ba cái vũng nhỏ vì cây cầu tạm bợ cũng trôi mất. Ấy vậy mà tôi rất ham; lâu lâu được về ngoại là trong lòng nao nao, thích lắm.

Nhà ngoại chẳng có vườn cây trái gì đặc biệt, ngoài mấy cây mận hoang ngoài bờ. Hồi đó, tôi đâu có được đặc quyền gì, mọi người chỉ xem tôi như một thằng bé, không hơn không kém. Tôi cũng hay nghịch phá, hay kiếm cớ đi câu cá bóng dừa, đi nhá tép. Chỗ nào cũng lạ lẫm, mà thấy thân thuộc lạ lùng. Mấy hôm gan lì hơn một chút, tôi hay xuống nhà cậu Tư chơi. Nhà cậu có cây mận rất to ở phía sau và cây ổi say trái phía trước. Thi thoảng, tôi còn lén xuống ghe tập bơi; tập hoài cũng không bơi được. Chiếc ghe cứ quay vòng vòng không đi xa hơn. Người lớn bắt gặp hay la mắng, hù dọa. Rủi ghe chìm, tôi không biết phải làm sao. Vậy mà cứ mê, nằm chờ không ai chú ý là lại mò xuống ghe chơi. Ai thấy thì chối bay bảy – “Con chỉ ngồi chơi, chứ có làm gì đâu?”

Nhà ngoại mấy khi có đám giỗ, con cháu tập trung rất đông, cả trăm người. Con nít cũng nhiều, mà tôi thì đâu có quen ai, chỉ biết mỗi con dì Sáu và con dì Út. Mà tôi cũng ít được chơi cùng hai đứa đó, chắc có lẽ vì tôi nhỏ tuổi hơn. Thế là cứ thui thủi một mình.

Những lúc khác, nhà ngoại vắng tanh, tới lui chỉ có hai ông bà. Mẹ tôi thường xuống nhà dì Út chuyện trò, còn tôi thì nằm một mình trên võng. Nhớ lúc mưa tầm tã, trời tối đen như mực, hơi nước tạt vào nghe lạnh cả người. Lúc ấy còn nhỏ quá, tôi đâu biết nghĩ ngợi gì đến tương lai — sau này mình sẽ đi những đâu, làm những gì. Cứ nằm im nhìn những hạt mưa rơi rất nhanh, đâu có chờ đợi chi. Đôi lúc tôi tự hỏi: mưa rơi thành sợi, hay mưa rơi từng hạt?

Nước tràn vào tới thềm nhà, nước đục ngầu vì bùn đất. Tôi thích nhất là nhìn những bong bóng nước tạo thành do hạt mưa rơi xuống. Rồi hạt kế tiếp rơi, làm bong bóng vỡ tan. Cái này vỡ thì cái khác nổi lên. Cứ như thế. Xa xa văng vẳng tiếng ễnh ương nghe não ruột. Mà tôi cũng chưa biết buồn.