Sài Gòn

Những năm xa xôi, mỗi khi nghe đến Sài Gòn, tôi mường tượng về một đô thị phồn hoa, phố sá tấp nập người và xe cộ. Nơi kẻ giàu người nghèo lúc nào cũng hối hả, không biết đi đâu về đâu.

Xóm tôi hồi trước thỉnh thoảng lại nghe ai đó trốn nhà lên Sài Gòn. Có người đi làm thuê, ở đợ, phụ quán ăn… lâu lắm mới về thăm. Cách nhà tôi một con mương, cũng có bốn cô gái trẻ bỏ đi không chút tin tức, chỉ biết là đi mất. Vài tháng sau, một cô biên thơ về, cha mẹ mừng rơi nước mắt. Nghe đâu cô lên Sài Gòn phụ việc nhà, lương mỗi tháng chừng ba bốn trăm ngàn. Ấy vậy mà cậu mợ hãnh diện lắm, vừa giận vừa thương. Hồi còn ở nhà, thấy mấy đứa con sớm hôm cặm cụi kiếm từng cắc bạc mua sách vở, cậu mợ xót xa lắm. Nay con gái đã biết tự lập, kiếm được đồng ra đồng vô, âu cũng đáng mừng.

Bọn con nít thấy trong xóm có ai đi Sài Gòn về, lòng háo hức, chộn rộn như đón người thân. Thế nào cũng được cho một ổ bánh mì nguội ngắt ngồi ăn ngon lành. Rồi còn được nghe kể đủ thứ: nào xe hơi mới cáu cạnh, nào siêu thị rộng thênh thang máy lạnh mát rượi, nào nhà cao tầng hiện đại với thang máy đi khỏi mỏi chân. Đôi mắt chúng lóng lánh, nghĩ cả đời chắc không bao giờ có cơ hội đặt chân tới. Tôi chỉ ghét mấy người đi xa chẳng bao lâu mà đã học đòi nói giọng đơn đớt: “Sài Gòn” mà cứ nói Sì Gòn, “Bến Tre” thì một hai Bến Te… Nghe làm như sang lắm không bằng?

Thời gian cứ vậy mà trôi. Hết năm 12, tôi cũng như bao đứa dân quê khác khăn gói lên Sài Gòn chen chúc một chỗ đứng. Tôi còn nhớ mãi cái ngày ấy. Tôi mặc áo thun xanh, tay quảy tay mang ba bốn cái ba lô đựng toàn quần áo, sách vở, với mấy thứ lặt vặt. Trong đó, đặc biệt có quyển lưu bút từ hồi cấp II, cùng cái đồng hồ cô bạn lớp Hóa tặng dịp sinh nhật. Tôi lên xe buýt ghé ngay ngã sáu Cộng Hòa, may mắn được anh rể đón và phụ vác đồ vô. Tôi ở nhờ nhà bà con vài ngày rồi dọn qua thuê phòng gần ngã tư Bảy Hiền.

Trong lúc chờ kết quả thi đại học, tôi kiếm việc gì đó làm, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm và tập làm quen với cuộc sống mới. Công việc đầu tiên, tôi làm được hai tuần, phục vụ cho nhà hàng khu phố Tây. Sau đó, nhờ vốn tiếng Anh tạm bợ, tôi xin được việc tiếp tân cho một công ty địa ốc trên đường Điện Biên Phủ. Cũng chỉ làm được hai tuần rồi xin nghỉ vì nhận được giấy báo trúng tuyển. Tôi về quê chuẩn bị thủ tục nhập học.

Lúc tôi về, mẹ là người hạnh phúc nhất. Gặp bà con lối xóm, ai cũng chia vui — phen này chắc nhà tôi ăn mừng lớn lắm. Nhưng thật lòng tôi chẳng có chút niềm tin vào những ngày sắp tới. Mười mấy năm đèn sách, tôi đã thấm mệt với chương trình giáo dục nặng nề, xa rời thực tế. Tôi tự cảm thấy rởm đời quá nên xin thôi, lặng lẽ quay trở lên Sài Gòn. Trong đầu, vẫn còn nhan nhản ý nghĩ về chuyện thi cử: đi thi kẻ đậu người rớt, không lẽ lúc đậu thì phải kèn trống rền vang, còn rớt thì giấu nhẹm không ai hay?

Tôi làm thủ tục nhập học vào một trường đại học có tiếng ở Phú Nhuận. Buổi đầu lạ lẫm, mọi thứ đều thay đổi, từ cách xưng hô ngôi thứ. Các anh chị khóa trước tổ chức buổi lễ chào đón tân sinh viên thật rình rang. Thiết nghĩ ai hòa mình vào đó ắt hẳn cũng ấm lòng. Riêng tôi cảm thấy lạc lõng giữa cái thế giới mênh mông mà nơi đó, mỗi cá thể là một người thợ xây dựng tương lai. Tôi choáng ngợp với những khẩu hiệu rỗng tuếch, thu mình quan sát và chiêm nghiệm.

Ngành học tôi chọn lúc đăng ký là kinh tế đối ngoại, khoa tiếng Nhật — với lý do đơn giản là học thêm một thứ tiếng. Thầy dạy tiếng Nhật người miền Bắc, còn khá trẻ. Tôi cũng hy vọng giáo viên trẻ sẽ dễ gần với sinh viên. Nhưng thực tế thật đáng buồn, chỉ sau buổi học đầu tiên, tôi lật đật nộp đơn xin chuyển sang khoa tiếng Anh, không phải vì môn tiếng Nhật khó nuốt — ngày đầu thì có học được cái gì? Chỉ vì tôi không thể nào cho phép mình ngô nghê như một chàng khờ, thụ động chờ người khác ban kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm như thế.

Hết học kỳ một tôi đã không thể tiếp tục chống chọi. Lớp nhỏ thì đông nghẹt, giảng đường lớn cũng chật cứng hàng trăm sinh viên, ngồi khúm núm trong bầu không khí oi bức. Còn giảng viên thì tay cầm micro thao thao bất tuyệt như đang truyền đạo trên bục giảng, biến mất ngay sau tiếng chuông báo hết giờ. Người dạy nào phải cội nguồn tri thức, người học nào phải gà công nghiệp, sao việc ai người nấy làm? Đời sinh viên chỉ có vậy? Suốt ngần ấy năm miệt mài chỉ đổi được có bấy nhiêu?

Tôi mệt nhoài nằm dài trên giường cốt tìm ra một lối thoát. Bên ngoài, tiếng ồn ào đặc trưng của thành thị không lúc nào ngưng. Nhìn qua khung cửa sổ đứng rũ thèm một cơn gió, tôi mơ màng nghĩ về giấy báo nhập học trường hàng không. Nếu mình kiên trì nhẫn nại, sau này biết đâu có cơ hội đi đây đó trên những chuyến bay. Từ trên không trung nhìn xuống đất, vạn vật thu nhỏ, và mình cũng tan biến. Như vậy có lẽ thú vị hơn ngày ngày phải thắt cà vạt tới sở làm.

Sau chút giây phút lãng mạn, tôi tỉnh dậy và nhận ra mình chỉ thật sự yêu thích ngành học về máy tính. Thế là tôi quyết tâm theo đuổi tới cùng, giống như ngày xưa lựa chọn học ngoại ngữ, trước hết vì niềm đam mê. Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ từ một người bạn đặc biệt, và được tài trợ trong suốt khóa học. Từ đó, tôi không còn chú ý gì khác ngoài việc trau dồi ở trường, đến nỗi dần mất hết những người bạn thân trước đây. Tôi cũng ít về thăm nhà, thăm quê hương có cây cầu khỉ.

Mỗi ngày chạy xe đến lớp, qua bao nhiêu con đường, gặp bao nhiêu người cũng không khỏa lấp được sự trống trải trong tâm hồn, mà chỉ làm tôi cố quên đi cuộc sống khô cằn. Thì ra mình cũng đang bon chen giữa thành phố chật chội này. Tôi trở nên vô cảm, thờ ơ mỗi khi ra đường. Mọi người cũng thế.

Cho đến một ngày, tôi quen được những người bạn mới. Tôi thay đổi, hòa hợp với những gì mình đang có. Hằng ngày, vẫn đi trên con đường ấy, nhưng tôi thấy có lá me bay, có tia nắng vàng lọt qua vòm lá. Nhớ đoạn đường về nhà thật gần, mà cứ chạy ngoằn nghoèo qua mấy con hẻm sâu. Nhớ quán cóc ven đường ngồi không biết chán, nhớ trung tâm mua sắm sang trọng đi lòng vòng chỉ để ngó. Và nhớ một người.

Sài Gòn của tôi là thế đó, gắn liền suốt cả quãng đường đời. Bây giờ ngồi nghĩ lại, bồi hồi những ngày vui, ngậm ngùi những ngày buồn. Từ bao giờ, Sài Gòn đã không còn thuộc về tôi nữa, chắc có lẽ là mãi mãi?

Advertisement

Đội trống tí hon

Những năm cấp II, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc sinh hoạt trong đội trống nghi thức.

Đội trống năm thành viên ai nấy đều dễ thương, gồm một trống cái (nam) và bốn trống con (nữ). Các thành viên được chọn cùng một lớp để tiện sắp xếp thời khóa biểu, và được ưu tiên xếp lớp đầu (61, 71, 81, 91).

Tôi tham gia đội vào một dịp tình cờ. Ban đầu tôi không hay biết gì về việc thành lập đội, cũng chẳng có cuộc tuyển chọn nào. Buổi tập đầu tiên, thằng bạn thân rủ rê đạp xe vào sân vận động coi đội trống tập. Tôi cũng ham vui đi theo. Lúc đó, nghe có hoạt động văn nghệ là mê lắm. Đến nơi, hai đứa tôi bắt gặp cô tổng phụ trách và năm bạn chung lớp đang tụm năm tụm ba tại một góc khuất, dưới bóng mát lưa thưa của mấy cây bạch đằng.

Sân vận động chủ yếu dành cho toàn trường học thể dục, thỉnh thoảng mới thấy tổ chức hội thao. Buổi chiều nắng vẫn còn gắt do không có mái che, cũng không có cây to nào. Chỉ tội các bạn nữ dù kỹ lưỡng cũng không được đeo găng tay lúc tập. Nhớ mỗi giờ học, thầy bắt phải chạy khởi động trước khi vào bài. Bọn con trai toàn dân quê tay lấm chân bùn, đứa nào cũng khỏe mạnh như trâu; cả đám chạy hai vòng thật nhanh, cốt để tìm bóng mát trong lúc ngồi chờ bọn con gái rề rà cho xong một vòng sân…

Hôm đó, cô nói: trống cái giữ vai trò quan trọng nhất, là linh hồn của cả đội, mở đầu và giữ nhịp cho các trống con. Thằng bạn giữ trống cái đang tập trung, tiếp thu rất nhanh. Chỉ tiếc một điều nó không có khiếu về nhịp phách, đánh thử vài lần vẫn không xong. Cô nhìn sang và hỏi dò hai đứa tôi đánh thử cho cô nghe. Thằng kia thử trước, có khá hơn, nhưng cô cũng chưa hài lòng. Tới lượt tôi, tôi run lắm. Lứa tuổi thơ dại, ham học hỏi, ham làm thử, tôi cũng liều. Và chuyện gì đến cũng đến, cô mỉm cười gật đầu. Tôi cũng bất ngờ, thật tình không biết đã đánh như thế nào. Buổi tập đầu tiên kết thúc. Rồi những ngày tiếp theo, tôi đều làm tốt và càng hăng say hơn. Chưa bao giờ tôi cảm nhận âm nhạc lại dễ dàng như thế.

Đội trống chúng tôi được nhà trường khen ngợi, thậm chí xuất sắc hơn đội mấy anh chị lớp trước. Đội đảm nhận phần trống chào cho tất cả các dịp nghi lễ như chào cờ, khai giảng, bế giảng… Ngoài ra, nhiều cơ quan thị trấn cũng thường gởi lời mời đến nhà trường cử đội làm đại diện đánh trống mừng cho các kỳ hội nghị. Mỗi lần đi đánh trống, bọn tôi phải chuẩn bị bài vở trước, nhưng ai nấy đều tham gia tích cực. Hầu như chưa bao giờ vắng mặt thành viên nào. Nhớ những lần chờ đại biểu đọc diễn văn, bọn tôi cùng ngồi ôn bài. Đến khi bài phát biểu kết thúc, thấy khán phòng vỗ tay vang rền, tôi quên khuấy, cả bọn nhìn nhau cười.

Còn nhớ có lần tôi ngủ quên, bốn bạn nữ phải hối hả chạy tuốt ra nhà gọi, vì nhà tôi chưa có điện thoại. Thấy các bạn từ xa, mẹ thắc mắc, tôi hoảng hồn vội vàng đi thay đồ. Cũng may có mẹ tôi ngồi nói chuyện, hỏi han chốc lát, các bạn cũng quên trách cứ. Mà hồi đó, cô phụ trách cũng ưu ái lắm, chỉ nhắc nhở rút kinh nghiệm lần sau chứ không la rầy gì.

Tôi nhớ năm lớp 8, đội được mời xuống huyện đánh trống lễ tiễn binh. Lần đó được rước bằng xe jeep, oai lắm! Tôi ngồi trên xe, cứ mỉm cười mãn nguyện. Tới nơi, cả bọn choáng ngợp về mức độ hoành tráng của buổi lễ, đông nghẹt người. Cuối cùng, đội cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, được tuyên dương.

Lần khác, đội đi đánh trống cho các em nhỏ đốt đèn rước ông Trăng. Đội dẫn đầu đoàn tí hon, bé nào cũng tay xách lồng đèn miệng bi bô hát mấy bài thiếu nhi. Tiếng trống rộn ràng cả thị trấn: tùng một-hai-ba-bốn-năm một-hai-một-một, tùng một-hai-ba-bốn-năm một-hai-một-hai…

Đi chài

Nhớ hồi nhỏ, con nít xóm tôi rất mê chơi. Sau giờ học, bọn tôi thường tụm năm tụm ba tổ chức những trò tập thể như: năm mười đá banh, đụng bắt, đá bò, dính chùm, ăn trái cây, bắt mò, đánh bài… Bọn tôi chơi với nhau rất thân thiết, vui vẻ, hòa đồng. Cứ thế xây dựng tình bạn ngày càng khắng khít, sớm tối có nhau.

Những hôm chơi chán, bọn tôi thường kiếm gì đó làm. Lúc thì đi câu cá lòng tong, cá bóng dừa, khi thì đi đặt nhá, đặt lợp, bắt còng, mò hến. Đứa nào cũng giỏi, vừa học vừa làm. Đi một buổi có thể kiếm được một mớ cá tép đủ ăn cho cả ngày. Mấy đứa có anh chị em thì chia việc nhau làm — đứa này đi nhá thì đứa kia hái rau nấu cơm, hoặc luân phiên.

Nhà tôi chỉ có ba người. Ngay từ nhỏ tôi đã không phải làm lụng vất vả như những đứa khác trong xóm. Công việc chính của tôi là ăn, học và chơi. Ba mẹ cũng chưa bao giờ đặt vấn đề, hay yêu cầu tôi phải làm việc gì. Biết vậy nên tôi rất ham học, cố gắng đạt nhiều thành tích để ba mẹ vui lòng. Trừ những hôm mê chơi bỏ bữa, nhất là hơn năm sáu giờ chiều mà chưa về tắm rửa ăn cơm, mẹ tôi kêu réo inh ỏi khắp xóm. Về nhà chắc chắn sẽ bị mắng cho một chập. Thường những lúc đó tôi hay cười trừ, hoặc giả đò kiếm chuyện gì đó hỏi han là mẹ tôi quên ngay.

Tuy ít được cho đi đâu xa, nhưng thấy bọn bạn hằng ngày mang về cả rổ cá tép, tôi ham lắm. Lúc nào tôi cũng kiếm cớ đi theo chơi, rồi dần dà bắt chước. Tôi nổi tiếng nhất xóm đi học rất chăm ngoan, nhưng đi làm thì rất tệ. Việc gì cũng thua sút người ta. Cùng đi chung một đám, nhưng tôi thường quay về với rổ ít nhất, thật đáng xấu hổ. Mẹ tôi hay khuyên lơi: “Con không có tay sát cá.” Cũng có khi mẹ mắng: “Câu không có bao nhiêu, nắng nôi, mất công tao mần cá!” Mẹ nói vậy để tôi chán nản mà bỏ cuộc, chứ tôi biết mẹ vui lắm. Vì tôi học lớn từng ngày, bước đầu biết tự kiếm miếng ăn…

Trong số những việc vừa làm vừa chơi, tôi thích nhất là đi chài. Hồi đó đời sống còn khó khăn, nhà nào khá giả và tin tưởng lắm mới dám mua một miệng chài cho con đi phá làng phá xóm. Để dụ mẹ tôi mua, cũng không phải việc dễ dàng gì. Tôi thường xuyên rỉ tai to nhỏ, thể hiện bằng thành tích học tập ở trường.

Rồi cái ngày chờ đợi cũng đến, mẹ đồng ý mua cho tôi một cái miệng chài. Tối hôm đó tôi háo hức chưa từng có, cứ trằn trọc không ngủ được. Học xong buổi sáng, tôi chạy riết về nhà để mong được thấy cái miệng chài mơ ước. Cuộc đời từ đây sang trang, được mọi người công nhận sự trưởng thành của mình. Và hơn hết, bọn kia cũng không còn cớ để xem thường khả năng của tôi. Tôi không chỉ biết học và chơi đâu nhé, tôi còn biết kiếm tiền nữa.

Về đến nhà, tôi chạy ù ra sau chái. Mẹ tôi treo sẵn cái miệng chài mới choang, lưới vẫn còn trắng tinh. Tôi đưa tay vuốt từ trên xuống dưới nghe cồm cộm, xách lên cảm giác hơi nhẹ vì bấy giờ tôi đã cao to hơn mấy đứa trạc tuổi. Bữa đó tôi chỉ muốn đi chài liền, nhưng chưa được. Miệng chài mới mua về phải qua công đoạn ngâm vỏ sắn và bện thêm lưới cho mấy khoen chì thêm chắc chắn. Bọn kia biết tôi có miệng chài mới, lũ lượt kéo qua xem, hỏi han đủ điều: “Cái này mua bao nhiêu dạ dì Năm? Mắc chì chưa?” Mẹ tôi trả lời, “bốn lăm ngàn, năn nỉ lắm người ta mới bớt được năm ngàn.” Rồi bọn nó trầm trồ: “Đã quá ta! Sướng rồi hén!” “Chứ sao!” — tôi vênh váo. Một lúc sau, rôm rã đã đời, bọn nó dắt tôi đi tước vỏ sắn.

Vỏ sắn đem về ngâm nước độ chừng ba hôm. Nước sắn tiết ra đen thùi, hôi rình mùi mủ. Trong khi chờ đợi, mẹ tôi gởi miệng chài đi mắc lại chì. Cậu Tư mắc rất nhanh, một buổi là xong. Mang về nhà, tôi treo lơ lửng mà tiếc nuối. Tôi cũng không dám lấy xuống chài thử vì sợ lấm đất. Mấy hôm liền tôi cứ mong mỏi, đành lủi thủi theo tụi kia coi cách tụi nó quăng chài.

Năm ngày sau, mọi thứ đã sẵn sàng, tôi khởi nghiệp — đi chài. Thời điểm thích hợp nhất là lúc nước vừa mới lớn, cá tép từ sông bơi vào vũng ăn mồi. Để chuẩn bị: cám mua về rang cho thật thơm, đất sét vò thành những viên to tròn. Tất cả bỏ chung vô thau, xóc đều cho cám dính đầy. Sau đó có thể đi rải mồi. Mỗi ổ chài, rải ba viên, chừa lại một viên làm dấu và rải đợt hai. Rải khoảng mười hai mươi ổ, tôi quay về rửa thau, nằm chờ chừng nửa tiếng rồi xách xô đi chài.

Tôi chài một mình, quanh mấy vũng gần nhà, lâu lâu rủ cô bạn hàng xóm đi chung. Cách nhà không xa, có mấy bờ dừa ít người lui tới, nhìn hoang vắng âm u không ai dám đi một mình. Hai đứa tôi chài chung riết rồi quen, cứ sau giờ học là lật đật xách thau vò mồi.

Đi chài nhiều khi rất mệt nhưng vui. Mấy lúc vò mồi, hai đứa thi hát với nhau. Đến giờ tôi vẫn không quên giọng ca ngọt như trái lý ấy: “Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà lòng anh thương quá…”

Có lần, thấy có buồng chuối già hương chín rộ, trái nào trái nấy to tròn nứt vỏ, thơm phưng phức, hai đứa khoái chí ngồi ăn ngon lành, bẽ thêm mấy nải về ăn tiếp.

Chài nước lớn chưa đã, hai đứa còn rủ nhau chài nước ròng, rồi chài nước cạn. Có ngày đi đến ba bốn bận. Thành ra nhiều khi hàng xóm phàn nàn, tụi mày chài miết không còn con tép nào dám béng mãn vô vũng. Mỗi lần như vậy, hai đứa bèn đổi địa bàn, đi càng xa hơn.

Lúc đầu đi chài về, mẹ tôi mần cá. Dần dần tôi tự mần lấy, rửa sạch để sẵn, mẹ chỉ nấu mà thôi. Bữa nào đồ ăn nhiều quá, tôi bưng đi bán, kiếm được dăm ba ngàn, tôi mừng lắm. Thế là từ đó có tiền mua báo Mực Tím về đọc. Mở đầu cho những câu chuyện khác.

Những lá thư không gửi: thư thứ nhất

[Notes: an English translation of this post can be found here.]

Chị thương mến, em biết chị sẽ không bao giờ đọc được lá thư này, nhưng em vẫn muốn viết. Em viết để ôn lại những kỷ niệm ngày bé thơ, được chị thương yêu, che chở.

Trước hết, em xin thú thật là không có ký ức gì về những ngày được chị ẵm bồng. Nhưng câu chuyện về chị em mình, em thuộc nằm lòng qua những lời mẹ kể. Ngày đó, nhà mình nghèo lắm, phải ở đậu. Ba mẹ thì đầu tắt mặt tối lo kiếm miếng ăn, nuôi mấy chị em mình. Nên từ nhỏ chị đã phải ở nhà trông em và phụ mẹ bếp núc. Tuổi thơ chị chịu nhiều thiệt thòi, cực khổ, ngày ngày mò cua bắt ốc. Có hôm vì mê chơi để em té, bị mẹ đánh đòn, chị cũng không hờn giận.

Hoàn cảnh gia đình mình cũng nhiều trớ trêu, nhưng em biết chị luôn thương em. Nhất là những ngày sống ở quê ngoại, mình thường bị người khác hiếp đáp, ghẻ lạnh, chắc chị còn nhớ? Rồi nhà mình dọn đi nơi khác, các chị lớn đã có chồng. Tuy chị không được học hành chu đáo, nhưng có củ khoai, trái ổi, chị cũng dành nguyên cho em. Đúng vậy không chị?

Ngày em đi học lớp một, bắt đầu biết cảm nhận về sự tồn tại thì chị cũng đã đi lấy chồng. Từ đó em ít được gặp chị, thiếu đi sự chăm nom ân cần từ vòng tay chị. Sang nhà chồng, chị càng thêm vất vả trăm bề nhưng lúc nào cũng kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Chị dạy cho em rất nhiều, nhưng bài học lớn nhất chính là đức tính của chị: làm người phải sống lương thiện, không tham lam, không lừa lọc.

Năm em học hết phổ thông, lên Sài Gòn, lại được ở gần chị. Những lần chị em mình gặp nhau, toàn kể chuyện vui. Nhưng cuộc đời chị nhiều lắm những nỗi buồn, em biết được qua đôi mắt chị. Em lớn rồi, mà chị vẫn lo cho em từng li từng tí. Nhiều lúc em nghĩ mình như đứa trẻ thơ, luôn luôn sống trong sự đùm bọc của chị. Em làm sai, chị luôn đỡ lời, chưa khi nào ghét bỏ em. Em suy nghĩ nông nổi, chị nhẹ nhàng khuyên lơi.

Chị còn nhớ, có món gì ngon, hai chị em cứ nhường nhau. Chị bảo, “món này ăn không ngon, chị không thích.” Chị nói vậy là để em được ăn nhiều. Em cũng cố ăn để chị vui. Tuy không nói ra, nhưng em thấy hết, hiểu hết.

Những ngày đầu em sống xa quê hương, em cũng có chị kề bên. Chị đi làm thật vất vả, mà mỗi khi em tới chơi chị luôn tươi cười. Em chưa có dịp dắt chị đi đây đó một vòng thì chị đã về.

Lần nào em về thăm nhà, dù bận rộn cách mấy, chị cũng ráng lên chơi, dắt theo mấy đứa cháu nhỏ để em khỏi buồn. Cả nhà quây quần một ngày, chị nấu em ăn rất nhiều món. Tuy mọi người chê dở, nhưng em ăn thấy ngon, vì đã quen đồ ăn chị nấu.

Bây giờ, em đã trưởng thành nhiều. Em chưa làm được điều gì lớn lao, nhưng chị luôn tự hào về em. Em đi dù xa cũng không bao giờ quên chị, người chị hiền hậu nhất, tuyệt vời nhất.

Em của chị.

Tết Trung Thu

Lại sắp đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, ngày Tết mà trẻ con khắp nơi háo hức chờ đợi. Từ lâu, Tết Trung Thu đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng cho cả người lớn, mọi tầng lớp xã hội. Họ đua nhau chúc tụng, nào quà cáp nào phong bì, trông thật rình rang và nhộn nhịp. Tôi chẳng quan tâm. Trung Thu cũng như mọi ngày, không có gì đặc biệt, chỉ trừ thỉnh thoảng họp mặt vài người bạn thân, chạy khắp những nẻo đường đông đúc, bụi bặm, rình rập.

Nhớ hồi nhỏ, mỗi dịp tháng Tám về là bọn con nít chúng tôi khấp khởi. Cả xóm có cỡ chục đứa con nít trạc tuổi, ai cũng mê chơi. Trước đó khoảng một tuần, bầu không khí chuẩn bị rất sôi nổi. Đứa nào cũng nhủ sẽ thiết kế một chiếc lồng đèn độc đáo nhất, lạ mắt nhất. Tùy theo sự khéo tay của từng đứa mà chúng tôi làm những chiếc lồng đèn khác nhau — nào ngôi sao, nào cá chép. Vật liệu để làm một chiếc lồng đèn hết sức đơn giản và không tốn kém, bao gồm: một cây trúc nhỏ, vài tờ giấy màu, dây chì, hồ dán, kéo cắt giấy, và kim tuyến. Nhà tôi không có trúc nên phải đi xin, mà cũng có khi đi trộm với mấy đứa khác.

Trúc đem về sau khi chuốt sạch, chẻ thành những cọng nhỏ, đem phơi khô vài ngày cho nhẹ bớt. Công đoạn này cũng phải tỉ mỉ vì trúc rất bén, dễ đứt tay. Một ngôi sao năm cánh cần mười cọng trúc làm khung và năm cây nhỏ chắn ngang. Các bước thực hiện có thể khác nhau, nhưng thông thường là dùng dây chì nối mỗi bên năm cọng trúc làm thành hai khung hình sao. Sau đó, cắt dán giấy để trang trí cho từng ngôi sao, rồi ráp lại thành một chiếc lồng đèn. Đứa nào lười biếng chỉ làm tới đây, đứa nào siêng hơn thì dán giấy hết các cánh sao, chừa lại hai khe hở để bỏ đèn cầy và thông gió. Ngoài ra, mấy đứa con gái khéo tay còn làm mấy cái bông giấy nhỏ nhỏ, tròn tròn dán vào năm cánh sao cho đẹp mắt. Hoặc có khi làm thêm một vòng tròn lớn bao quanh các cánh sao cho thêm phần cầu kỳ.

Nhiều đứa có anh chị lớn hay nhờ vả làm giúp những chiếc lồng đèn thật lạ, thật đẹp. Nhà tôi chỉ có một mình, mà ba mẹ cũng hiếm khi làm đồ chơi cho tôi, nên tôi tự làm lấy. Xóm đa phần con nhà nghèo, bọn tôi làm gì có tiền để mua đèn cầy. Thế là phải xin tiền ba mẹ, nghe vài câu la mắng, riết rồi quen.

Ngoài lồng đèn, bọn tôi còn nghĩ ra nhiều món đồ chơi khác. Tôi và vài đứa nữa đi lượm những trái mù u già rụng xuống đất. Bọn tôi mang về nhà đập vỏ, lấy hạt. Hạt mù u tròn vo, màu vàng tươi rất đẹp, chứa đầy mủ. (Mùa hè, tôi hay lấy mủ mù u vo tròn dán lên một cây dài bắt ve ve.) Sau khi tách những hạt mù u ra, bọn tôi dùng dao cắt thành những miếng nhỏ, đem phơi độ vài ba ngày nắng cho thật khô, rồi xỏ chùm lại với nhau. Thường mỗi đứa xỏ khoảng từ ba tới năm chùm, đủ đốt cho một buổi tối.

Có đứa không làm lồng đèn hay xâu mù u thì làm những chiếc xe lăn. Vật liệu: cần hai hộp sữa bò và một cây căm xe đạp. Một hộp làm bánh xe, đục hai lỗ trên nắp, dùng căm xỏ ngang. Phần căm dư bẽ thẳng đứng một góc 90 độ, rồi chĩa ngang bụng hộp còn lại — một nắp khoéc trống bỏ đèn cầy, nắp kia đục thành nhiều lỗ nhỏ trang trí. Khi lăn, bánh xe sẽ làm hộp phía trên xoay tròn, hắt ra tia sáng tạo thành những hình thù in trên đất. Để thêm phần sáng tạo, bọn tôi còn gắn đồng xu vào bánh xe, nghe lon ton thật vui tai.

Ngày Trung Thu, con nít cả xóm tụ lại, thi nhau khoe những chiếc lồng đèn mới xinh, những chiếc xe lăn chở đầy tia sáng, hay những xâu mù u đốt cháy cả ước mơ của một thời thơ dại…

Thế rồi chỉ vài năm sau, xã hội phát triển, lồng đèn nhựa được bày bán khắp nơi. Ít còn ai màng đến việc làm những chiếc lồng đèn thủ công. Lồng đèn bây giờ có đủ loại, nhiều hình thù, màu sắc, phát ra ánh sáng chói lọi. Có cái còn réo rắt âm thanh, xua đi những năm tháng mơ mộng.

Tiếng Việt

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời
Người ơi…
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi!
(“Tiếng nước tôi” – Phạm Duy)

Tôi không biết mình bắt đầu biết nói khi nào, cũng không biết từ bao giờ tôi đã yêu tiếng Việt. Tiếng Việt nhẹ nhàng, trầm bổng, thân thương và gần gũi. Chỉ mấy tiếng bập bẹ “ba ba” của trẻ thơ, ắt hẳn ba mẹ chúng khi nghe sẽ hạnh phúc lắm.

Ba mẹ sinh ra tôi, tài sản lớn lao nhất mà hai đấng sinh thành cho tôi chính là ngôn ngữ đầu đời. Từ nhỏ, tôi đã không được sống trong sự giàu có về vật chất. Ba mẹ tôi cũng không phải là nghệ sỹ để cho tôi những giá trị về tinh thần. Nhưng tôi cảm nhận được sự trong sáng, giàu tính tượng hình, tượng thanh của tiếng Việt. Cho nên tôi càng yêu quý, giữ gìn.

Ký ức về những ngày đi học giờ rất mờ nhạt. Tôi có thể mường tượng những ngày đầu tiên, chắc khó khăn lắm mới nắn nót được a bê xê. Rồi tôi cũng biết đọc, biết viết. Ai đi học chắc vẫn còn nhớ những năm tháng học trò phải vật lộn với môn chính tả. Tiếng Việt của tôi cũng rất dở, nhưng tôi luôn cố gắng sửa chữa mỗi ngày. Để học một chữ, tôi phải hình dung trong đầu về một khung cảnh nào đó. Căn nhà — lúc đầu chỉ nghĩ tới mấy cây cột, vách ngăn, mái che, giường ngủ. Lớn thêm chút thì biết đó là chỗ che nắng che mưa. Giờ mới thấu hiểu đó là mái ấm gia đình, nơi nuôi tôi khôn lớn; là bếp lửa mẹ nấu cơm, là chỗ ba tôi sửa xe, cạnh chiếc võng tôi nằm mỗi ngày. Và ở nơi đó, ba mẹ luôn chờ đợi tôi về, dù tôi có đi bao xa, ba mẹ đợi bao lâu.

Tôi còn nhớ môn học tiếng Việt mà ai cũng ghét. Hồi đó tôi cũng nghĩ: tiếng Việt thì ai chả nói được, sao phải học viết văn, học ngữ pháp? Nhớ những bài thơ cổ xưa, những áng văn khô khan mà mình vẫn phải học. Có hiểu gì đâu mà phân tích, bình luận. Tôi thừa nhận từng nghĩ làm văn là nói láo. Nhưng nói láo thế nào để thuyết phục người đọc thì trước hết việc vận dụng ngôn ngữ phải thật khéo léo và sáng tạo.

Lên cấp phổ thông, ngôn ngữ lẽ ra đã chỉn chu, kiến thức đã vững vàng, bắt đầu có thể đọc hiểu tài liệu khoa học, biết viết những văn bản hoàn chỉnh. Nhưng kỳ thực, không phải ai cũng đạt được điều tưởng chừng đơn giản đó.

Tiếng Việt ngày nay hỗn độn và lai căng, nghĩ càng buồn. Ngày xưa đời sống còn nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng tổ tiên ta đã khơi nguồn và lưu truyền ngôn ngữ tinh hoa ấy. Thế hệ con cháu lẽ ra phải bảo tồn và làm phong phú tiếng dân tộc. Vậy mà…

Tôi không thích viết tắt. Bởi vì viết tắt chỉ tiết kiệm cho riêng cá nhân người viết một lượng thời gian không đáng kể, lại làm mất thời gian của rất nhiều người đọc. Giống như việc bạn đến trễ một phút sẽ làm mất cả một giờ của sáu mươi người tham dự cuộc họp.

Tôi cũng không hài lòng ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay. Nhìn những dòng chữ nhăn cuội thật lạnh lùng, vô nghĩa. Tôi có thể động não để đọc hiểu những điều họ viết. Nhưng thử hỏi một người nhà quê, hay một anh kỹ sư nước ngoài học tiếng Việt, liệu có biết được họ đang vấp phải ngôn ngữ gì?

Ôi, sự đời sao có những điều ngán ngẫm!

Mưa hạ

Sáng nay đi làm, ngồi nhìn cơn mưa rơi tí tách từ khung cửa sổ xe buýt, tôi mơn man nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Sáu năm sống vội ở Sài Gòn, ngày qua mau đêm chóng tàn, không đọng lại nhiều ký ức. Mưa Sài Gòn, những cơn mưa ào ạt. Tôi lúc nào cũng vội vã, chen chúc từng khoảng trống trên đường để mau chóng về đến nhà. Rồi chui rút và cuộn mình, vui mừng vì vừa thoát khỏi cơn mưa bất chợt.

Nhớ hồi nhỏ, tôi thỉnh thoảng về quê ngoại. Quê ngoại nghèo, nằm sâu hun hút, đung đưa cầu khỉ. Muốn đi phải lặn lội qua bao ruộng mía, vườn dừa, bờ chuối… tưởng chừng lâu lắm mới có người đi ngang. Nhìn mấy cây dừa già khằn đứng trọi lõi, thân hằn sâu vết tích những viên đạn thời xưa như những con mắt dõi theo vết chân người. Những liếp mía xanh rì mọng nước, gió vi vu làm những chiếc lá cọ vào nhau nghe rờn rợn. Những bụi chuối um tùm, lá cụp xuống tựa những bàn tay muốn níu với. Mấy mùa nước lớn phải lội qua dăm ba cái vũng nhỏ vì cây cầu tạm bợ cũng trôi mất. Ấy vậy mà tôi rất ham; lâu lâu được về ngoại là trong lòng nao nao, thích lắm.

Nhà ngoại chẳng có vườn cây trái gì đặc biệt, ngoài mấy cây mận hoang ngoài bờ. Hồi đó, tôi đâu có được đặc quyền gì, mọi người chỉ xem tôi như một thằng bé, không hơn không kém. Tôi cũng hay nghịch phá, hay kiếm cớ đi câu cá bóng dừa, đi nhá tép. Chỗ nào cũng lạ lẫm, mà thấy thân thuộc lạ lùng. Mấy hôm gan lì hơn một chút, tôi hay xuống nhà cậu Tư chơi. Nhà cậu có cây mận rất to ở phía sau và cây ổi say trái phía trước. Thi thoảng, tôi còn lén xuống ghe tập bơi; tập hoài cũng không bơi được. Chiếc ghe cứ quay vòng vòng không đi xa hơn. Người lớn bắt gặp hay la mắng, hù dọa. Rủi ghe chìm, tôi không biết phải làm sao. Vậy mà cứ mê, nằm chờ không ai chú ý là lại mò xuống ghe chơi. Ai thấy thì chối bay bảy – “Con chỉ ngồi chơi, chứ có làm gì đâu?”

Nhà ngoại mấy khi có đám giỗ, con cháu tập trung rất đông, cả trăm người. Con nít cũng nhiều, mà tôi thì đâu có quen ai, chỉ biết mỗi con dì Sáu và con dì Út. Mà tôi cũng ít được chơi cùng hai đứa đó, chắc có lẽ vì tôi nhỏ tuổi hơn. Thế là cứ thui thủi một mình.

Những lúc khác, nhà ngoại vắng tanh, tới lui chỉ có hai ông bà. Mẹ tôi thường xuống nhà dì Út chuyện trò, còn tôi thì nằm một mình trên võng. Nhớ lúc mưa tầm tã, trời tối đen như mực, hơi nước tạt vào nghe lạnh cả người. Lúc ấy còn nhỏ quá, tôi đâu biết nghĩ ngợi gì đến tương lai — sau này mình sẽ đi những đâu, làm những gì. Cứ nằm im nhìn những hạt mưa rơi rất nhanh, đâu có chờ đợi chi. Đôi lúc tôi tự hỏi: mưa rơi thành sợi, hay mưa rơi từng hạt?

Nước tràn vào tới thềm nhà, nước đục ngầu vì bùn đất. Tôi thích nhất là nhìn những bong bóng nước tạo thành do hạt mưa rơi xuống. Rồi hạt kế tiếp rơi, làm bong bóng vỡ tan. Cái này vỡ thì cái khác nổi lên. Cứ như thế. Xa xa văng vẳng tiếng ễnh ương nghe não ruột. Mà tôi cũng chưa biết buồn.

Next Newer Entries