Cho con

Gia đình là tiếng gọi thiêng liêng trong văn hoá của người Á Đông, nhất là Việt Nam. Phận làm con cái sinh ra trong đời đương nhiên phải biết hiếu thảo kính yêu cha mẹ, đó là đạo lý tốt đẹp từ bao đời nay. Và với nhiều người, tình cảm gia đình là thứ tình cảm cao quý nhất, thiêng liêng nhất, là thước đo giá trị nhân phẩm của người làm con. Riêng tôi, từ lâu đã không còn cảm nhận được hai tiếng gia đình. Tôi có thể giấu diếm, hay phớt lờ khi có ai đó vô tình hỏi về gia đình mình, nhưng dù thế nào tôi cũng không thay đổi được những gì đã qua. Và đây là câu chuyện của tôi, với ba và… đồng tiền.

Tuổi thơ tôi gắn liền với sự thù ghét của tất cả mọi người với ba mình. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, phải kể chi tiết thế nào để khắc họa hình ảnh của ông. Tôi đã nghe không biết bao lần, từ bao nhiêu người về ông như một người khó khăn đến mức cực đoan. Nhưng trong cái suy nghĩ non nớt có phần thiên vị, tôi cố tìm vô số lý do để lý giải, bào chữa cho sự lập dị của ba, để vẫn yêu kính, thần tượng ba. Thế gian có thể xa lánh, từ mặt ông, nhưng tôi vẫn cứ thương mến, quấn quýt như ba đã từng thương tôi từ lúc chào đời. Nghĩ cũng lạ, con người khi ăn một món gì nhiều quá sẽ đâm chán, tai tôi cũng thế, càng nghe nhiều điều xấu về ba mình, tôi càng trở nên thương ba nhiều hơn. Tôi biết ba là người lẻ loi, cô độc khi sống xa quê, làm rể ở một nơi khác biệt về phong tục văn hoá, đến tôn giáo, chính trị.

Tôi nhớ những ngày bé thơ, nhà nghèo phải ở đậu bên ngoại và hàng xóm. Mỗi ngày ba tôi dậy thật sớm để qua thị xã bắt cá, rồi lặn lội khắp nơi rao bán cho người ta. Nhìn cây đòn gánh tre, tôi thương cho sự vất vả đổ mồ hôi nước mắt kiếm từng đồng từng cắc nuôi tôi khôn lớn. Thấy ba nâng niu từng con cá nhỏ, tôi biết ba rất tỉ mỉ và yêu quý công việc, cũng như thành quả lao động của mình.

Mỗi chiều về, thoáng thấy ba từ đầu ngõ, tôi chạy theo đu cây đòn gánh, reo mừng: “A, ba về! Mẹ ơi, ba về.” Ngày nào cũng vậy, mà cứ như thể ba đi mần ăn xa lâu lắm mới ghé thăm nhà. Tôi loắt choắt theo ba về xem có quà gì: trái ổi, trứng cút, hay chuối nướng? Mẹ ở nhà may vá, cũng rạng rỡ hẳn lên. Rồi mẹ vô bếp làm cơm, khói lam chiều ướt mèm đôi mắt. Ôi, cái tuổi thơ nghèo khó sao mà thương quá! Giờ nhớ lại mà nước mắt cứ lưng tròng, sống mũi cay cay.

Lớn thêm chút, tôi bắt đầu đi học. Tuy không đủ điều kiện như các bạn ở chợ, nhưng năm nào tôi cũng phấn đấu nằm trong tốp những học sinh giỏi của lớp. Tôi đạt nhiều thành tích với vô số giấy khen và phần thưởng như bút viết, tập vở. Năm sau, ba tôi chỉ phải tốn tiền mua bộ sách giáo khoa mới. Ba kiệm lời khen, nhưng ông có tự hào về tôi. Cũng vì thế, tôi càng có nhiều áp lực, học kỳ sau phải giỏi hơn học kỳ trước. Hàng xóm láng giềng cũng chỉ nhìn vào điểm số mà đánh giá, chớ đâu có quan tâm đến những khó khăn, vất vả suốt cả năm học. Với họ, hoặc giỏi hoặc dở, còn học để làm gì và vận dụng kiến thức thế nào thì thôi cứ để cho thầy cô tính. Ba tôi cũng chẳng cần biết, miễn đừng để “đội đít” các bạn nữ vì như thế thật là xấu hổ, không đáng mặt đàn ông.

Đó giờ ba mẹ tôi luôn khắc khẩu, bữa nào thiếu tiếng cãi vả chắc ăn cơm không ngon. Mấy bận mẹ dắt tôi về thăm ngoại, các dì hay hỏi về ba tôi. Vốn tính thật thà, mẹ cũng kể ngọn ngành những ấm ức phải chịu đựng khi sống cùng ba. Thương chị, các dì mới ghét ông nên họ không bao giờ lên nhà tôi chơi, cốt ý tránh chạm mặt con người đáng sợ, đáng khinh khỉnh ấy. Thậm chí, họ còn rù rì tai tôi từ dụ dỗ đến hăm dọa, họ dạy tôi ghét ba mình. Về nhà, chẳng khi nào tôi học lại, tôi sợ ba sẽ hạch sách mẹ. Nhưng ba tôi thừa biết nên cứ cằn nhằn, chì chiết mẹ. Ức quá mẹ lôi tôi ra đánh, thế là ba quay qua bênh vực. Có giai đoạn tôi như công cụ, tai mắt chuyên canh chừng và mách lẽo khi ông không có mặt. Ông còn dạy tôi chửi mẹ: “Bà khùng, bà mát.” Ba à! Con không biết ba nghĩ gì khi dạy con những điều đó? Con là gì giữa những mâu thuẫn của hai người, giữa ba và nhà ngoại, giữa mẹ và nhà nội?

Tôi lớn khôn thêm, vẫn học giỏi và thỉnh thoảng còn được thưởng những món tiền nhỏ. Tôi cũng học đòi theo bạn bè trang lứa mua đồ chơi mới, truyện tranh, sách báo, đồng hồ… thậm chí cả kim từ điển. Mẹ làm gì có tiền cho tôi mua những thứ ấy, tôi chỉ còn trông cậy vào ba. Tôi đòi gì ba cũng cho, nhưng ông bắt tôi phải hùn hết số tiền mình có, rồi mới bù vào phần thiếu. Trong cách suy nghĩ của ba: con nít không nên giữ tiền, có tiền nhiều ắt sẽ hư hỏng, xài bậy; cha mẹ là người cưu mang hoạn dưỡng nên có toàn quyền quyết định. Ừ thì, “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”–xã hội này đã tin như vậy rồi thì tôi chỉ còn cách vâng lời, chứ biết làm gì hơn? Ngày nào còn ở bên cha mẹ, con cái không có quyền làm người lớn, không được tự mình quyết định mọi chuyện dù lớn hay nhỏ, không được làm sai, không được sa ngã.

Tôi càng lớn, ông càng khó khăn, khắc nghiệt. Hễ trong xóm có ai méc điều gì, không cần biết sai quấy, nhất định ông sẽ cho tôi một trận nên thân. Với ông, thương là cho roi cho vọt, nên ông chọn những nhánh tre nhỏ nhất, cây lùn dai nhất để đánh tôi thẳng tay. Mấy lúc đó, chỉ có mẹ là nơi cứu cánh, mẹ xót cho tôi, khóc vì tôi, chịu đòn thay tôi. Vì thế tôi càng trở nên thương mẹ, biết cảm thông cho những năm tháng tủi nhục, cam phận dưới sự bức hiếp của ba tôi.

Trong nhà, ba là trụ cột chính, ông dùng tiền để củng cố cho sự gia trưởng của mình. Nên hết cấp II, tôi quyết định rời xa tổ ấm, bắt đầu cuộc sống tự lập. Suốt năm lớp 10, hàng tháng tôi phải ngửa tay xin tiền ăn học, để phải nghe ông giảng giải đạo lý làm người, nghe kể lể những khó nhọc kiếm đồng tiền, rồi mới được phát cho mấy trăm ngàn ít ỏi. Vô hình chung tôi như một gánh nợ, và do chưa thể tự lo chén cơm manh áo, tôi sống bị động, ăn bám vào gia đình. Trong những tháng ngày tối tăm túng quẫn, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của một người bạn. Từ đó tôi bắt đầu sống độc lập về tài chính, ông cũng ngay tức khắc cắt chu cấp, nghĩ rằng sẽ có ngày tôi quay về quỳ dưới chân để chịu sự sai khiến. (Cũng có thể lắm chứ, nhưng không phải bây giờ.)

Sau nhiều năm bươn chải, tôi cũng ra trường, học thành tài, và kiếm được việc làm ổn định. Giờ đây tôi còn có điều kiện để giúp đỡ người khác. Và ba tôi lại tự hào, khoe mẻ với bạn bè, người thân: không có công một tay ông nuôi dưỡng, chắc gì tôi có được như ngày hôm nay?

Bạn thân mến, trên đời này cổ tích không có thật. Có thể bạn quá vô tư nên nghĩ rằng mình là công chúa, hoàng tử, sinh ra để được vua cha và mẫu hậu thương yêu chiều chuộng. Mỗi người đều có lý do cho sự tồn tại: kết tinh của tình yêu (nếu bạn tin như vậy), duy trì nòi giống, phụng dưỡng cha mẹ, hiến bộ phận cơ thể để cứu chữa bệnh tật ai đó, hoặc có khi chỉ do tai nạn của đam mê dục vọng. Cha mẹ sinh con mặc nhiên có quyền yêu thương, dạy dỗ theo cách họ muốn. Chắc bạn cũng không ngờ rằng mình chỉ là món đồ chơi có cảm xúc. Họ chọn vai mẹ hiền, người cha đạo đức, còn bạn mãi mãi là đứa con hư hỏng nếu không ngoan ngoãn, vâng lời.

Tôi từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đứng trước bờ vực hôn nhân đổ vỡ, cố khoác lên mình chiếc áo trách nhiệm vì con. Mà thực ra đứa bé lại chính là tia hi vọng, niềm an ủi cho những thất bại của cha mẹ. Rồi cũng chính đứa bé đó thành gánh nặng cơm áo gạo tiền, là món nợ những lúc ốm đau, bệnh tật hay tới tuổi ăn học. Cuộc đời là sự giả tạo, là vở kịch vụng khi tình thương không đặt đúng chỗ.

Tình cảm gia đình, với tôi, như là chiếc bánh. Cha mẹ mang ra thì tôi phải ăn. Không cần biết ngon dở, tôi cũng cố nuốt. Cũng chẳng phải do tôi thấu hiểu công cha vo gạo, công mẹ nắn bột, tôi cứ cố nhai. Nếu lỡ tôi có sặc sụa hay nghẹn nghào vì bánh khô, người đời sẽ cười chê, thế gian ruồng bỏ, xa lánh. Rồi họ dạy con mình biết mỉm cười khi ăn, biết kính cẩn khi nhận. Con họ cũng quen vâng dạ, gia đình ấm êm, xã hội tiến bộ. Mà cũng phải, cuộc sống ngoài kia đầy rẫy những xấu xa, tội ác. Sao không vô tư, sao không ngờ nghệch để tạm quên đi cuộc đời buồn thảm, cố xoắn làm gì?!

Advertisement

Giáng sinh

Số là có anh bạn gợi ý nên hôm nay tôi mạo muội viết về tôn giáo một chút. Bạn cũng biết tôi vốn dĩ hiếm khi nói về đề tài kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị chỗ đông người. Nhưng lâu lâu thiết nghĩ cũng nên đề cập ít nhiều. Đây đơn thuần là cảm nhận thầm kín của tôi, mong người đọc xem như cơn gió thoảng.

Nhà thờ

Tôi nhớ lúc nhỏ, cứ mỗi sáng Chủ Nhật là hay theo ba đi nhà thờ. Nhà thờ Tin lành nằm ngay chân cầu sắt lớn, rất thuận tiện. Những ngày đầu tôi thích thú vì đi nhà thờ gặp được rất nhiều chú bác, ai nhìn cũng trang nghiêm đĩnh đạc. Tới giờ tôi vẫn nghĩ những người hướng đạo đa số thuộc thành phần trí thức, nhất là ở quê ngày đó đạo giáo rất nhạy cảm, đặc biệt là đạo Chúa.

Tuần nào đi lễ tôi cũng gặp con nhỏ con cô bán trái cây ngoài chợ. Nói con nhỏ vậy thôi chứ nó lớn tuổi hơn tôi, có khuôn mặt tròn trĩnh với đôi mắt long lanh. Nghe có vẻ mắc cười chứ hồi đó tôi nghĩ nó là Thúy Vân hay Hằng Nga trong truyện thần tiên.

Sân trước nhà thờ có trồng hai cây nhãn. Nhiều lần tôi lén trèo lên ngồi đung đưa chân, dù hay bị người lớn la rầy. Mùa nhãn chín, trái thơm phưng phức cũng không dám hái.

Ngoài nhà thờ chính, bên hông phải còn có phòng thờ phượng và phòng sinh hoạt. Nhưng tôi chỉ mê cái ao cá sau nhà có rất nhiều cá bảy màu, cá ba đuôi sặc sỡ. Tôi cũng khoái chạy nhảy lung tung, tưởng tượng như đang chơi năm mười với mấy đứa khác. Thật ra là thui thủi một mình, đâu có dám quen ai.

Ngoài việc hứng thú với cái ao cá, tôi còn chìm đắm theo tiếng nhạc mỗi khi thầy đệm đàn, lúc với cây organ sang trọng khi thì cây piano accordion ngộ nghĩnh. Nhìn dáng thầy ôm đàn hai tay xòe ra rồi xếp lại, đồng điệu với âm thanh du dương phát ra, tôi mơ một ngày được đứng biểu diễn như thế.

Tôi còn được gửi vào sinh hoạt trong đội thiếu nhi. Mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, tôi được diễn văn nghệ chung với các anh chị lớn. Một lần tôi đóng vai chú chiên, ra sân khấu trùm mền kín mít mà vẫn run như cầy sấy. Vậy mà tôi tự hào khoác lác với lũ bạn trong xóm.

Ngày vui càng qua mau, tôi càng chán đi nhà thờ. Nhớ mỗi lần lén ngước nhìn những người xung quanh cầu nguyện, đứng lặng yên như pho tượng khô khan lạnh lẽo, tôi cảm nhận một sự xa cách. Cuối buổi là giây phút thờ phượng Chúa, các con chiên ngoan đạo nhắm mắt hòa ca, rồi hai người được phân công cầm hai hộp gỗ đi từ từ qua ba dãy hàng ghế. Đi tới đâu ai cũng thành kính bỏ vào một lọn tiền, nom có vẻ tế nhị và kín đáo. Mà tôi cứ thắc mắc tại sao người ta không làm cái thùng công đức, ai có lòng thì tự nguyện đóng góp?

Hai ba năm sau tôi lớn thêm, bắt đầu mê chơi nhiều hơn. Rồi mỗi sáng Chủ Nhật bị ba thúc đi nhà thờ ngay lúc cao hứng, tôi biết cáu gắt. Ngồi lì suốt cả buổi trong nhà thờ, tôi chẳng biết làm gì. Trên bục thì thầy truyền đạo thao thao bất tuyệt, ở dưới thì tôi hậm hực như vịt nghe sấm, không biết bắt đầu từ đâu. Thỉnh thoảng còn được yêu cầu cùng đọc một trang nào đó trong Kinh thánh, hay cùng hòa giọng một bản Thánh ca. Rồi đứng lên ngồi xuống, đứng lên ngồi xuống. Sao người ta không đứng yên suốt buổi như vậy nhỉ?

Nhưng có lẽ khó hiểu nhất với đầu óc nông cạn của tôi là những giáo điều thầy giảng. Ba tôi nói thầy truyền đạo phải thật thông thái và nắm rõ thời cuộc. Cho nên trong mỗi bài giảng thầy đều lồng ghép một thông điệp hay tin tức nóng hổi nào đó, rồi đem ra bàn luận. Nói đàm luận thì đúng hơn vì chỉ có một chiều–người đứng thì nói người ngồi thì nghe. Uất ức nhất là mỗi khi nghe thầy giảng về thuyết tạo hóa, tim tôi rung lên bần bật với những điều nghe được trái ngược bài học ở trường. Giọng thầy sao thật mỉa mai báng bổ…

Chùa

Nếu như Chủ Nhật nào cũng theo ba đi nhà thờ thì thỉnh thoảng tôi mới theo mẹ đi chùa ngày rằm. Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn ngay rìa chợ, phía trước là hàng vịt ồn ào, nhất là vào những phiên chợ Tết. Bước vào cổng chùa đã nghe tiếng chuông ngân vang hương thơm nghi ngút, không gian cũng trầm lắng lại. Sự xô bồ của cảnh chợ dường như mất hẳn, lòng người mới thật khoan thai.

Đi chùa tôi gặp rất nhiều bà con thân thích, thời gian viếng chùa cũng nhanh gọn. Khách viếng chùa đủ mọi thành phần, khá nhiều khách vãng lai. Điều này có lẽ hơi khác với nhà thờ vì đa số được người quen dẫn dắt.

Sau khi tranh thủ thắp nhang cúng vái, ai nấy ra về. Có lần hai mẹ con ở lại tới giờ thuyết pháp, tôi quan sát thấy mọi người ngồi xếp bằng, thành tâm đọc kinh theo tiếng gõ mõ. Lúc đó tôi tranh thủ lượn vòng, mắt tròn xoe nhìn những pho tượng Phật vàng óng, phúc hậu. Tôi cũng hay trèo cây mận, cây mai. Mấy bà bắt gặp thường nhẹ nhàng khuyên bảo: “Con đừng trèo nghe con!” Họ chưa bao giờ lườm tôi bằng ánh mắt kỳ thị như nơi tôi vừa kể…

Trong tôi đương nhiên có sự so sánh, nhưng rồi tôi chỉ chọn một cuộc sống tự do phóng túng, thanh tịnh và hướng thiện.

Con đường

Do chỗ làm hiện tại nằm cách xa trung tâm nên thường ngày, tôi mất khoảng bốn mươi phút đi xe buýt. Lên xe, tôi lúc nào cũng bận rộn với chiếc điện thoại, không nghe nhạc xem phim thì cũng tranh thủ cập nhật tin tức, hay trò chuyện với mấy người bạn khác múi giờ. Cũng có khi bất chợt lòng mênh mang, tôi ngồi lặng yên nhìn cảnh vật hai bên đường.

Singapore không có những cánh đồng bát ngát; và thiên nhiên thì đã được con người vun vén. Nhưng đi đâu cũng thấy hàng cây xanh tốt, rong rêu bám đầy, làm gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một miền quê yên bình. Quê hương–ai đi xa có nhớ? Với tôi thì nó đã nằm trọn trong trái tim.

Quê hương của tôi là con đường đi học những ngày còn thơ.

Con đường quê rợp bóng mát, uốn lượn dưới liếp dừa xanh, một bên là dòng sông hiền hòa, neo đậu mấy chiếc xuồng con. Mùa khô, con đường vàng tia nắng, đất nứt nẻ khát khao vì đợi chờ, đâu đó còn in đôi bàn chân bé xíu. Đi học về qua đoạn cát trắng, tôi kiếm tìm mấy tổ cút tròn xoe ngộ nghĩnh. Thấy tổ nào to sâu, tôi phồng mang thổi, bắt về mấy con cút bé xíu, bỏ vô cái muỗng dừa, rồi đổ đầy cát cho chúng làm tổ. Không gian chật chội, từng tổ cút chen nhau như những bông hoa đất trông thật đẹp.

“Cút cụt đuôi ai nuôi cút lớn?
Cút lấy chồng ai bồng cút con?”

Mùa mưa, đường lầy lội như cánh đồng mới kéo cày, mùi bùn non xốc lên tới mũi. Mỗi lần đi học tôi xăn quần quá đầu gối, tay ôm cặp tay xách dép, phải hết sức nhẹ nhàng tránh làm lấm chiếc áo trắng tinh. Nói thiệt là tôi rất thích đặt bàn chân trần lên từng thớ đất trơn mềm. Lúc đó tôi còn chưa biết mùi cực khổ, được đi học đã là niềm vui.

Mấy lúc mưa to, tôi xin đục ở ngôi nhà ven đường, mà cũng chỉ được đứng ngoài hành lang vì chân dính đầy bùn đất. Áo mưa của tôi là miếng mũ vuông vức khoác lên người như tấm áo choàng. Bữa nào trễ tôi mặc vào đại, rồi lao mình dưới cơn mưa xối xả, đầu đội chiếc nón kết ba mua cho.

Con đường vắng chỉ mình tôi nghe từng tiếng lộp độp trên đầu. Được một đoạn, nước mưa rút vào nón nặng trĩu, tôi bước chân càng nhanh. Ấy vậy mà ngày nào cũng đến trường đúng giờ, chưa khi nào bỏ học.

Trước khi vào lớp, tôi tạt ngang cầu tàu để rửa chân. Đó là một bến tàu nhỏ ghe xuồng tấp nập, luôn nhộn nhịp tiếng bước chân của mấy chú làm công vác nước đá. Nước lớn đứng trên bờ có thể thòng chân xuống rửa, nước cạn phải lội xuống một đoạn. Mé sông rất lài, lởm chởm đầy cọc nhọn cùng vô số viên đá lớn nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi còn bắt gặp mấy đứa con nít đang lượm ve chai hay đi chài nước cạn…

(Còn tiếp)

Mùa nước lên

Mùa này trời thường mưa to, chắc nước lớn lắm phải không mẹ?

Hai mươi mấy năm sống quê mẹ, con nhớ rõ mấy tháng cuối năm mưa triền miên không dứt. Mưa nhiều làm cho đất chảy nhão, khiến lòng người cũng mềm nhũn, càng thêm ủ dột.

Nhớ những chiều hiu hiu lộng gió, nước lên ngập chùm bông cỏ lác. Nước đục ngầu vì chở nặng phù sa. Nước tràn mênh mông như tấm vải mềm giấu bước mẹ về. Đợi khi mọi sinh hoạt ngưng hẳn, nhà nhà lên đèn quây quần bên nhau. Rồi mẹ lại kể về những ngày xa xưa con chưa từng biết đến. Nhưng lâu dần, kí ức gieo hạt nảy mầm, con bắt đầu hiện hữu trong câu chuyện của mẹ. Dường như trong chuỗi kí ức đó, chỉ có hình ảnh của ngoại và con; lâu lâu mẹ mới kể về ba. Trong cái ý nghĩ thật lạ của con: không biết mình quen nhau từ bao giờ, mà mẹ đã thương con và con thì cứ quấn quýt bên mẹ.

Mẹ kể con nghe hồi nhỏ nhà mình có ba người, ba đi làm suốt, ở nhà chỉ còn con với mẹ. Mỗi khi đi chợ không ai trông con, mẹ trải tấm mũ bạc màu, lượm vài trái dừa con con để xung quanh thành vòng tròn, rồi đặt con ngồi giữa, dặn không được bò ra ngoài. Lúc mẹ về, con vẫn ngồi yên như chưa hề nhích sang chỗ khác.

Con lớn thêm chút, mẹ đi nấu mật xa nhà. Con nhớ mẹ vô cùng, cuối tuần là đòi ba chở đi thăm. Gặp mẹ, được cho mấy lóng mía con ngồi ăn ngon lành. Mà nào giờ con có khoái ăn mía đâu; vỏ mía cứng ngắt, xướt ê ẫm cả răng. Đã vậy phấn mía trắng tươi dính hai bên gò má, ngứa ngáy khó chịu.

Hết mùa mía, mẹ quay sang mần chuối gần nhà. Lâu lâu được trái chuối chín, mẹ mang về cho con. Hoặc đôi khi đập dừa, mẹ cũng đem về cả bịch mọng.

Nhà mình cũng có chiếc xuồng năm lá. Buổi sáng nước lớn, mẹ bơi xuồng chở con về thăm ngoại. Chiếc xuồng be bé lướt trên mặt nước, con thấy bầu trời xanh có con và mẹ. Mấy con lìm kìm đuổi theo dòng nước, nấp trong bóng mát bên hông xuồng. Ra tới cửa sông thấy cây cạt chiết, con đòi mẹ hái để chơi thổi bong bóng. Hồi đó con tưởng người ta nấu xà bông từ trái cạt chiết. Thỉnh thoảng thấy cây bần, con cũng đòi. Hiếm khi gặp bần chín; mà trái sống thì ăn chát ngằm con quẳng đi, uổng công mẹ đứng vói.

Ba làm cho con cây dằm nhỏ xíu để bơi theo mẹ, nhưng chỉ tổ làm chệch hướng. Thấy đám lục bình trôi xuôi, con vớt lấy bứt chùm bông tím, rồi nghịch phá thảy về phía mẹ. Lục bình mắc vô dằm, mẹ bơi thêm nặng tay. Mẹ chửi con mấy tiếng, vậy mà con cười khoái chí.

Do phải đợi con nước ròng buổi chiều, mình về khi nhà ngoại bắt đầu lên đèn. Đêm tối dần, bầu trời ai thắp đầy sao. Vô số những ngôi sao nhỏ mê chơi rớt xuống sông, rồi mắc kẹt dưới đáy. Ngôi nào bay lên được thì treo mình trên cây, đua nhau chớp tắt. Gió thổi lồng lộng, khung cảnh vắng tanh, tiếng vạc sành kêu nghe rờn rợn. Con ngồi co ro một chỗ, đòi mẹ kể chuyện suốt.

Đường về nhà mình men theo con rạch vào sâu hun hút; cặp hai bên bờ là lao sậy và dừa nước. Có đoạn đi ngang bờ mía um tùm, đoạn khác trăng trắng mấy ngôi mộ đất. Con sợ run người, giọng mẹ kể chuyện càng lớn để trấn an. Về tới nhà thì ba đã ngủ say, hai mẹ con mình lủi thủi.

Năm lên lớp năm, con đòi mẹ mua cho cái xô nhỏ. Mỗi khi nước lớn, con xách đầy hai cái thạp để mẹ ngồi may. Con bỏ mấy con chang chang cho nó lọc nước trong veo.

Mùa mưa tới, con theo mẹ đi cào hến với mấy đứa trong xóm. Thấy tụi kia lặn hụp giữa rạch, con cũng bắt chước. Con lặn thật lâu mà cào không được bao nhiêu. Mẹ cào toàn mấy con hến thật to. Đến xế trưa đi xa cả cây số, ai nấy mệt đừ rủ nhau ra về. Vừa tới nhà, mẹ vô bếp vo gạo bắc nồi cơm để con tắm trước, rồi mẹ con mình luộc hến.

Xóm mình con nít khá đông; đi học về là con quăng cặp xuống bỏ đi chơi. Nấu cơm xong, mẹ réo con văng vẳng. Mẹ ra đầu ngõ chờ con tung tăng chạy về. Đi bên mẹ, con ước sau này cũng được cao lớn như mẹ. Lúc đó mái tóc mẹ đen mượt, chỉ chải một kiểu.

Nào giờ mẹ chưa khi nào dạy con học hay làm đồ chơi cho con. Lâu lâu mẹ có đố con mấy câu nhưng con nghĩ không ra. Đợi mẹ giải đáp xong, con chê: “Gì kỳ!” Mẹ cố giải thích, con càng tỏ ra vô lý. Nhưng con học được ở mẹ tấm lòng nhân hậu. Đối với ai, mẹ cũng hết mực chân thành. Mẹ không biết phân biệt đối xử, với cả những người nhẫn tâm với mẹ hôm trước. Lúc nào mẹ cũng bao dung, ai nhờ gì mẹ cũng sẵn lòng, nhiều khi chịu thiệt về mình. Bởi vậy bà con cô bác đều thương quý mẹ. Họ cũng yêu mến luôn cả con. Mỗi lần gặp mặt, mấy bà thường khen: “Thằng nhỏ thiệt hiền khô! Cái miệng cười hệt mẹ nó.” Nghe vậy, con rất tự hào.

Sau này lớn lên, con cũng đem cả tấm lòng để thương mến người ta. Nhưng người đời mấy ai cần tình thương của mình, được một thời gian rồi họ cũng bỏ mình mà đi. Duy chỉ có tình mẹ thương con là vĩnh cửu. Mẹ chưa bao giờ bỏ con đi lâu.

Hồi đó, ba hay ăn hiếp mẹ. Thấy mẹ buồn khổ, con cũng giục mẹ đi. Vài lần như vậy mẹ đều trở về với con. Mẹ mua cho con con gấu đen, con ôm nó suốt ngày. Đồ đạc của con mẹ cũng cất rất kỹ, lâu lâu lục ra cái áo nhỏ xíu, con nhìn mà thương về thời thơ dại.

Con nhớ có lần mẹ đi cả tháng. Mỗi ngày đi học về, nhà cửa vắng hoe trống trước trống sau, con cũng không thèm đi chơi. Con dành dụm mấy ngàn vô bưu điện gọi cho mẹ. Đó là lần đầu tiên con nói chuyện qua điện thoại, chỉ nghe mẹ khóc, sống mũi con cay cay.

Con càng lớn, mẹ càng gầy hơn. Đến một ngày con bỗng cao to hơn mẹ, tóc mẹ bắt đầu có những sợi bạc. Con biết bây giờ thời gian qua mau. Chứ không như lúc nhỏ con đếm từng ngày trên võng.

Sống ở nhà, ba mẹ dành hết tình thương cho con. Dần dà con thấy mình quá yếu ớt, không biết làm lụng gì cả. Con từ chối làm một đứa con ngoan trò giỏi. Con bắt đầu bênh vực mẹ; ai ăn hiếp mẹ con đều ghét. Nhiều khi con rất ức vì mẹ cứ mãi nhẫn nhịn để người khác lấn lướt.

Rồi con không còn muốn thấy cảnh mẹ sống trong sự giày vò như thế, con quyết đi học xa nhà để bắt đầu cuộc sống tự lập. Những ngày đầu thiếu thốn đủ thứ. Lần nào con về, mẹ cũng chắt chiu cho con ít tiền. Con thấy cuộc đời sao khổ quá, mẹ con mình cứ cắn răng chịu đựng.

Học xong trung học con lên Sài Gòn, càng xa tổ ấm có vòng tay mẹ hiền. Vài tháng sau, con sắp xếp rước mẹ lên ở với con, để hằng ngày hai mẹ con có nhau. Trận mưa đầu tiên, nước ngập tràn đầy nhà. Nước đen kịn, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Hai mẹ con nhìn nhau ngán ngẫm. Đợi ngoài đường nước rút mẹ bắt đầu tát, không than lấy một lời.

Sau lần đó, cứ mỗi khi trời đổ mưa là con thêm rầu. Mưa dù nhỏ nhưng đường vẫn lênh láng. Con chạy xe đi học, nước lên hơn nửa bánh, để mẹ một mình xoay sở với căn nhà ngập nước. Sống giữa Sài Gòn, tình nghĩa láng giềng không như ở quê, con sợ mẹ buồn.

Ngồi tát nước bì bõm, mẹ làm quen với mấy nhà xung quanh. Những ngày sau đó con thấy mẹ vui hơn, hay ra ngồi nói chuyện với mấy cô hàng xóm, con cũng mừng thầm. Nhưng có ngờ đâu, một ngày con phát hiện mẹ nghe theo lời mấy người đó mà mua số đề. Con cảm thấy nghẹn ngào! Cuộc sống vốn chật vật, hai mẹ con phải đùm bọc nhau, vậy mà…

Con buồn quá, quyết định thuê nhà trọ khác để mẹ được về quê. Con biết mẹ sẽ rất nhớ con nhưng biết làm sao hơn.

Từ đó con cũng ít về nhà thăm…

Con giờ khôn lớn nhiều, biết làm chủ cuộc sống. Và con vẫn còn có mẹ. Chỉ cần có mẹ là đời con được đầy đủ.

“Chiều nay tin bão phương xa lòng con chua xót. Con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau…”

Tình nhỏ mau quên

Tôi thường không thích chia sẻ chuyện tình cảm. Với tôi thì không sao, tôi chỉ không muốn làm ảnh hưởng đến nhân vật mình nhắc tới. Tôi càng không muốn làm ai xót lòng. Nhưng hôm nay cảm xúc bất chợt làm tôi nhớ về em — một mối tình đơn phương.

Lúc còn đi học, tôi chỉ quan tâm làm sao để ba mẹ và thầy cô hài lòng. Tôi chuyên tâm vào trang sách, đôi khi phụ giúp việc nhà như đi câu, đi chài. Mà thời đó làm gì có internet, cũng không có điện thoại cầm tay để giao lưu với thế giới bên ngoài. Học trò tỉnh lẻ như tôi hiếm khi có một sân chơi. Bạn bè hay rủ nhau vô nhà thầy cô xin học thêm. Còn tôi chỉ thích đăng ký một khóa học bình thường do trung tâm tổ chức. Nào giờ tôi chưa bao giờ có ý định đi học để kết bạn, chỉ đơn thuần thích học ngoại ngữ.

Tôi gặp em lần đầu trong lớp học buổi tối. Nhìn chung em cũng như bao cô bạn gái khác. Tôi không biết em có đẹp không? Nhưng trong mắt tôi, em là người rất nền nã, quy cách. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ khả năng đọc tiếng Anh lưu loát của em, ngỡ em chuẩn bị từ trước rất kỹ. Tôi ngồi đầu bàn dãy nam, em ngồi đối diện. Buổi học nào cô cũng gọi đọc bài, mỗi người một câu, nam nữ xen kẽ. Tôi rất say mê nghe em đọc, dù chỉ một hai câu ngắn.

Lớp học khá vui, tôi quen được hai đứa em học lớp dưới. Giờ chơi, ba đứa tôi hay chạy giỡn hoặc phá phách gì đó. Em ít khi ra ngoài, hay ngồi trong lớp không biết làm gì, lúc nào cũng kè kè cô bạn thân.

Tuổi học trò chắc vui nhất là chuyện viết giấy chuyền tay. Tôi và em cũng rất hứng thú với trò này. Canh lúc cô viết bài, mấy bạn thì ghi ghi chép chép, hai đứa tôi thập thò. Có lần cô bất ngờ quay xuống, bắt gặp tại trận. Nhìn cô, tôi bẽn lẽn, em cũng ngại ngùng. Cũng may không làm rớt tờ giấy, không thôi chắc toi mạng. Tôi biết cô không hề ủng hộ, nhưng cũng không trách phạt. Thỉnh thoảng cô nhắc nhở hai đứa tập trung. Như thế đã là điều không hay chút nào. Vậy mà hai đứa vẫn cứ tiếp tục.

Tôi còn nhớ mấy lần tan học, trời nhá nhem tối, từng tốp đạp xe miệng cười nói không ngớt, cứ như thể chẳng còn được gặp nhau. Một hôm, lớp được về sớm do cúp điện. Tôi chạy xe song song với đứa em học chung. Bỗng nhiên nó vượt lên phía trước giựt cuốn sách em để ở rổ xe, rồi quăng cho tôi. Tôi hưởng ứng, đạp xe càng nhanh, thoáng chốc bỏ xa một quãng. Em đang đạp xe một chân với nhỏ bạn lật đật dí theo, nhưng tiếc là không đuổi kịp. Chắc em tức tưởi lắm, nói với mấy câu đầy trách móc: “Nhớ nha! Nhớ nha!”

Về đến nhà, tôi mở sách ra xem có bí mật gì trong đó. Em có cất hình ai không? Mai mốt đi học, tha hồ mà chọc. Tôi thất vọng không tìm được gì ngoài tờ giấy bạc năm ngàn; tôi đóng lại rồi đi ngủ. Hôm sau đến lớp, tôi mang trả em cuốn sách, tưởng là em giận lắm. Nhưng không, em vẫn vui vẻ bình thường. Tự nhiên, tôi thấy em dễ thương vô cùng. Hôm đó đi học, tôi cứ lâng lâng như kẻ mất hồn, không biết có làm điều gì ngớ ngẩn?

Hằng ngày đi học, tôi thường ra ngồi ở đống gạch ngay cạnh nhà xe trước lớp. Tôi thích đưa mắt nhìn cái nhà kho xa xa, đằng sau cột cờ. Giờ chơi nào em cũng hay ra đó ngồi với nhỏ bạn chung lớp. Tôi không biết em đang nói gì, cũng không nhìn thấy em cười. Lâu lâu em điều nhỏ bạn tới lớp gửi cho tôi tờ giấy. Tôi cũng nhờ thằng bạn đi ngang chuyển dùm. Lạ thật, chỉ cách nhau có năm phòng học, xa xôi gì đâu mà sao bước đi thật khó?! Hồi đó, bạn bè khác lớp mà léo hánh tới địa bàn là y như có điều chi ghê gớm lắm. Thế nào cũng được tụi bạn nhiều chuyện hỏi cho ra lẽ.

Năm cuối cấp, cả hai được chọn vào đội tuyển Anh văn của trường, cơ hội gặp nhau càng nhiều. Nhưng tôi ghét ông thầy dạy bồi dưỡng, dáng người phong trần. Tôi để ý thấy em rất say mê mỗi khi thầy giảng bài. Chắc là tôi đang ghen…

Hết cấp II, tôi quyết định sang tỉnh học. Từ đây không còn thấy em xinh tươi, cũng không còn được gửi cho em tờ giấy vụn ngoằn nghoèo mấy chữ. Nhớ những chiều thứ Bảy từ thị xã về, tôi chỉ dám đứng lặng thầm trước cổng trường như đứa lưu ban, trộm nhìn bạn bè cũ giờ tan học. Tôi mong một lần ngắm em dịu dàng trong tà áo dài trắng, nhưng mãi không gặp được.

Những ngày đầu sống xa nhà, tôi buồn quá. Nhưng tôi may mắn được em bầu bạn, tuần nào cũng đều đặn nhận thư em. Không có em chắc đời học sinh tẻ nhạt lắm! Em thường động viên, hỏi han tôi về cuộc sống mới. Tôi cũng kể em nghe nhiều thứ. Đến lúc cạn nguồn, hai đứa tự đặt ra một câu chuyện rồi hòa mình vào nhân vật chính. Câu chuyện kết thúc: chàng trai quay về tìm nhưng không gặp, đứng lặng lẽ trong mưa; còn cô gái đưa bàn chân bước theo gió. Thật là bi kịch!

Thời gian qua mau, mỗi người một hướng đi. Tôi và em cũng ít liên lạc, dù chỉ quanh quẩn trong cùng một thành phố. Tôi thầm cảm ơn và cầu chúc cho em tìm được bờ vai vững chãi. Tôi không là hoàng tử trong chuyện cổ tích, tôi làm cánh chim phiêu bạt: “Vòng tay anh nhỏ bé biết làm sao che cho em? Hay anh chỉ là người đứng bên lề đời em…”

A letter to Dad

[Ghi chú: nhấn vào đây để đọc phiên bản tiếng Việt.]

Dear Dad,

Sooner or later, I know you will read this letter. Where should I begin? To demonstrate my pride for a noble father who dedicates his life to family? Or to spin a yarn about the saddest days throughout my childhood? Will this society, and my friends, turn back on me or look at me with a different eye from now on? Whatever happens, I still write this to you. I hope at night I am no longer tormented by the past.

The differences between your generation and mine have created a gap in which we can never understand each other. You play a key role in the family, always ask others to follow your arrangements. I am like a bird that is left behind. I believe everyone has only one chance to live; hence, I would like to stand on my own legs. Someday I may slip on my way, yet I will stand up. Every now and then, I question my existence in this world. And not just once, I lost faith in family values.

When I was young, I was totally proud of you. You are a straightforward and typical person; you know how to do a variety of jobs, you manage to overcome any difficulty; you seldom break promises or get very drunk. But do you know that you just keep people at a distance — not anyone is patient enough to stay long with you? Even your closest friends are pretty reluctant to communicate with you. You are severe to everyone. If anyone does something wrong, you are not easy to forgive and forget. All my siblings are uncomfortable to talk about you. Why can’t we live in harmony and peace?

I remember when I was a little kid, all maternal relatives hated you, and they hated me as well. Nevertheless, I still loved you simply because you are my father. They even interrupted a conversation as I accidentally came across. They were afraid that I would narrate their words; you would then nag at Mom all day long. I comprehended the situation, so I kept silent — those that I had heard would be dissolved into the wind. At a very young age, I already had an inferior complex about family and did not feel as innocent as other kids.

I did not dream of a big house, but a dinner with all three members. A bowl of vegetable soup and a span of tiny shrimp cooked with brine were enough to make me happy. Even so, I did not dare to sit on the same table with you; we both could hardly maintain a good communication. Only Mom could tolerate you, but when she got sick, you rarely took care of her. There was a time when I often felt obsessed: everyday we would not have a good meal without your quarrel with Mom. Have you ever felt what I had to endure?

By third or fourth grade, I was bought a blackboard, and you taught me homework. Day after day I learned how to do unit conversion. Because of being keen on playing with friends, I often gave wrong answers, each of which you punished me. I was frightened and did by habit without any knowledge. You beat me so much that I became indifferent to the rod. Compared to other kids in the neighborhood, my class result was always good, but still could not make you pleased. You usually said: “spare the rod and spoil the child.” What if I had lived in vagabondage or studied badly, would you have ever accepted me as a son?

Everyday before leaving for school, I had to come in front of you to say goodbye. Occationally, I had to repeat a couple of times so you could hear it, then gave me some pennies. I gradually considered politeness as a compulsory behavior that did not indeed come from my heart. I did not mind it any more.

I remembered in the fifth grade, I was sponsored a trip to the city. That was the very first time I travelled by myself, you gave me twelve thousand dongs. I was so happy with the money. But did you know that it was too little for me to buy anything? I kept the whole amount back home. Looking at friends who bought so many presents, I felt sad but without any complaint.

Once, the coordinator selected me to represent the school in the meeting of obedient children. While other students praised their fathers, I felt ashamed inside. How would I brag about my own father? I told about Mom instead…

I remember many late nights — you woke me up to go collecting mangoes. The tree in our neighbor’s garden was very big and laden with fruit. Ripe ones usually fell down at night. I was very scared of the darkness. But because of my eagerness, you took me out. At times I found three or four, I became really excited. We both turned back to sleep, then you went to work and I came to school in the morning.

In biology class, my friend brought one durian plant as a sample. After class, she gave it to me. I grew it in the garden; it has never born fruit for a dozen of years. You often tell me: “every time I see the little tree, I miss the past days you were running around my legs.” So why did you try to grow a dragon fruit plant that killed my flamboyant tree? That made me sad for a couple of days.

Do you remember we used to go swimming in a river? You passed me a ring buoy, released me far away from the bank. At the middle of the river, I felt scared and swam towards you. Now I feel a chill tingle along my spine; however, I was very interested before. I knew you were always observing me. Life is like a whirlpool in many ways, it can swallow us at any time. But beside you, I had no fear.

On heavily raining days with roaring thunders, I felt so terrified that I ran to you and lied on your body. You recalled the days in military. Mom also participated in your story while sewing clothes. Mom said that you were very handsome when you were young, which made me proud of. You told me about your team and American soldiers. Since then I have been dreaming of the land of freedom. Was I born to accomplish your life’s ambition?

“A mother can take care of ten children,
but sometimes ten children can’t take care of one mother.”

I grew up with Mom’s folk songs. After secondary school, I entered high school in the central district. On early days living away from home, I faced up with many difficulties. Every time I returned home and asked you for allowances, I shed my tears out. You calculated every single penny with me. I felt helpless since I was still dependent on family even at that age. I wanted to give up. Then I moved on although I had no idea what was ahead of my reach…

Those are over now. Having gone though bitterness makes me appreciate today. And the story about father and son has not ended yet, has it?

Your son

A letter to my sister

[Ghi chú: nhấn vào đây để đọc phiên bản tiếng Việt.]

Dear sister,

I know you will never get a chance to read this letter; however, I just feel like dropping you a few lines. Because I would like to remind myself of the childhood I was loved and protected by you.

First of all, I have to confess that I now have no memory of the early days when I was carried in your arms. But I will keep forever the stories about our sisterhood through what Mom has told me. That day, our family was very poor, our house was built on someone’s land. Parents were struggling with life to raise their children. Since a very young age, you had stayed home to take care of me and helped Mom in the kitchen. You had to sacrifice many things, worked very hard and searched for food day after day. Once, you forgot to keep an eye on me while playing with other kids, I fell off a pile of sand. Mom punished you, but you did not get upset.

In spite of our family situation, you always have a full heart for me. Do you still remember when we lived near the grandmother’s place, we were often bullied by others? We then moved to a new house, elder sisters had already had their own families. Though you obtained education in half, you would give me a sweet potato or a fruit in full. You would give me everything, wouldn’t you?

The first day I went to primary school and started to perceive the surroundings, you got married. Ever since then I have not seen you often. I miss you and your thoughtful care. At your mother-in-law’s house, you have to work even harder but you always show respect to the older and never look down on the younger. You have taught me many lessons, but the greatest one is about yourself: to live a truthful life, to not become greedy or deceiving.

After high school, I came to Saigon for college, I had another chance to stay near you. Every time we met, we only recalled the happy old days. But your life was filled with sadness, which I could tell through your eyes. I had already grown up, but you looked after me every single thing. Sometimes I felt as if I was still a little kid, always covered under your protection. When I did something wrong, you corrected me. Or when I made an incautious decision, you gave me advice from your personal experience.

I remember when we got some leftover, we both gave up to each other. You told, “this food is not delicious, I am not fond of it at all.” I knew your intention, so I tried to eat more in order for you to be happy. Those were things you never said but I understood fully.

The days I stayed away from our homeland, you were also close at hand. You worked really hard at job but anytime I came by, you welcomed me with a smile. I did not have a chance to take you around the city, you had already left.

Every time I return home, you come to see me no matter how busy you are. Additionally, you carry your little kids who always bring me laughters. Our whole family get together for one day, you cook me many dishes. Others do not like them which I find really good. Perhaps that’s because I am used to your cooking.

Nowadays I become an adult. I have not done anything big or great, but you still feel proud of me. Even though I travel, far or near, I will not forget you. You are not only the most gentle but also the most whole-hearted sister.

Your brother

Về quê

Hồi còn đi học, ngoài mỗi dịp nghỉ hè, chắc vui nhất là mấy lần được bạn bè rủ về quê chơi. Mà thực tế nơi tôi sinh ra và lớn lên vốn đã quê lắm rồi. Nhưng càng đi sâu vào những vùng xa xôi hẻo lánh, tôi càng thích thú.

Nếu nhớ không lầm, lần đó độ chừng năm lớp 6. Cô bạn học chung từ cấp I mời cả lớp về quê ngoại chơi. Tôi vô cùng sung sướng! Không hiểu sao mỗi khi nghe hai từ quê ngoại, tôi cảm giác có gì đó thân thuộc lạ lùng.

Hôm đó, sau năm tiết buổi sáng, cả bọn tập trung đông đủ tại sân trường. Chẳng biết có phải do lời mời ngẫu hứng, hay sợ không được đi, tôi quên xin phép ba mẹ. Thôi kệ, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò,” cứ đi quậy trước rồi tính.

Lớp tôi sĩ số tầm bốn mươi, trừ mấy đứa ngoan ngoãn không dám đi chơi xa, đa số đều ham vui. Trong lúc chờ tụi con gái đi chợ mua đồ nấu, bọn con trai rôm rã không biết chán. Còn tôi mệt mỏi đứng lừ đừ một chỗ.

Sân trường giờ tan học vắng hoe, ai về nhà nấy. Cả lá cờ cũng rũ rượi giấc ngủ trưa. Mùa thu, mấy cây me tây rụng lá, gió thổi rơi đầy một góc sân. Ẩn trong những cánh hoa li ti, vài con sâu đo cuốn mình kết kén. Giờ lên lớp sân trường ít ai qua lại, chỉ còn lưa thưa vài con chim nhảy nhót tìm mồi. Còn nhớ mấy tiết văn tẻ nhạt, tôi ngồi lim dim đưa mắt ra cửa sổ theo dõi đôi chim sẻ đang ríu rít. Thỉnh thoảng nhìn bọn chúng âu yếm, tôi cười mỉm…

Thoáng chốc đã nghe tiếng cười nói ồn ào ngoài cổng. Hôm nay cớ sao tụi con gái nhanh nhảu thế? Hay chợ cũng dọn rồi? Mà chắc không, do náo nức đi chơi đây mà. Rồi rộn rộn ràng ràng, từng tốp bốn năm chiếc xe chạy nối đuôi chủ xị.

Bình thường tôi hay bực dọc chiếc xe ba tôi ưa xiết cứng ngắt, đạp rất mỏi chân. Bữa nay tôi quên bẵng, chỉ thấy nôn nao dù bụng đang đói meo. Được một đoạn, tôi vượt lên nhóm này trêu một lát, rồi thả chân từ từ chờ nhóm sau chạy tới mà nghe ngóng. Có khi cố ý, tôi ghì lên đồ gác chân sau của thằng bạn cho nó kéo đi. Biết tôi hay phá, nó để yên không thèm nói. Đến khi lên dốc không nổi, nó bực mình quay lại quát. Tôi bỏ chân, ngoảnh mặt sang một bên, miệng huýt sáo tỏ vẻ không hay biết mô tê gì cả.

Trên cao mặt trời rọi thẳng đứng, ánh nắng chói chang làm mồ hôi nhễ nhại trên má, bụng lại thêm đói. Đường càng xa khung cảnh càng lạ, nhà cửa thưa thớt dần. Đi thêm một quãng cỡ từ nhà đến trường là tới ngã quẹo, chạy mon men theo con đường nhỏ hai bên ruộng bắp xanh rì. Một cơn gió thoảng mang hơi nước mát lạnh chạy luồn qua mặt. Tôi lâng lâng hít sâu hơi thở của đất sau cơn mưa vội.

Tốp đầu tiên dừng lại, cả bọn reo hò tưởng đã tới nơi. Rồi ai nấy thất thểu, nghe đâu còn phải cuốc bộ cả cây số. Tôi lại khoan khoái. Hiếm khi mới có dịp đông đủ thế này, mà đường quê thì mát rượi, có gì đâu. Thật ra, tôi đang nóng lòng chờ xem cảnh mấy đứa dân chợ đi cầu khỉ. Nghĩ cũng lạ, cây cầu dừa to đùng bắc ngang cái vũng nhỏ, đến xe máy còn chạy qua được. Vậy mà mấy cô tiểu thư miệt vườn lại không dám đi, năn nỉ cách gì cũng không chịu. Thấy nấn ná mãi cũng chán, quê thì cũng đã quê rồi, các nàng đành lủi thủi xách dép bò qua từ từ, trông vừa tội vừa buồn cười.

Đến nơi, từng nhóm vào nhà chào người lớn. Chưa kịp hỏi thăm dăm ba câu, cậu dì biết ý lật đật bỏ sang nhà hàng xóm chơi, để mặc cho tụi học trò tha hồ quậy. Lúc này, bọn con gái trổ tài nữ công gia chánh, tranh nhau bắc nước nấu cơm. Ai cũng tỏ vẻ thạo việc. Trong nhà, xoong chảo khua nhau cóc cách, kèm theo mấy tiếng í ới hỏi đồ. Ngoài vườn, lũ con trai tha hồ lục lọi kiếm trái cây ăn lót dạ.

Nhà ngoại có vườn mận hồng đào trĩu quả, trái nào trái nấy to mọng, da đỏ sần, cắn vô nghe ngọt lịm. Vài đứa con gái lười làm bếp, nghe rù rì nên đi theo hái mận. Rồi nguyên đám rủ nhau đi bơi xuồng đốn dừa nước. Trò này ly kỳ nhất. Chiếc xuồng nhỏ xíu mà mạnh ai nấy giành một chỗ. Mới nãy còn không dám đi cầu khỉ, giờ gan lì cãi nhau chí chóe, đòi đi cho bằng được. Tôi chậm chân nên đành đứng ngó.

Chiếc xuồng ba lá rời bến, mỗi đứa một khúc cây làm dằm, khiến nó chòng chành rồi quay vòng, ồn ào cả mé sông. Tôi ghét quá bỏ vô nhà chơi cho êm chuyện. Lát sau bỗng trời mưa to, thế là cả bọn ướt sũng, ghe cũng khẩm nặng, xém chìm. Đứa nào đứa nấy xanh mặt vội vàng bơi vô, lên được tới bờ mừng như sống lại.

Bấy giờ, món rau câu cũng đã chuẩn bị xong, mỗi đứa một chén. Nhưng chỉ ăn được một chút, rồi lẳng lặng nhìn nhau cười. Chưa bao giờ món khoái khẩu thời trung học lại dở tệ như thế. Coi như ăn nhà chòi, lần sau hy vọng khá hơn.

Mưa tạnh, mọi người bắt đầu ra về, kết thúc một bữa đi chơi nhớ đời.

Năm mười

Mấy đêm nay, nhìn ánh trăng loáng thoáng qua cửa sổ, làm tôi nhớ mấy đứa bạn chôn nhau cắt rốn. Lớn lên, mỗi đứa một nơi, nhưng kỷ niệm về ngày tháng cũ vẫn vẹn nguyên như lúc nào.

Hồi đó, không chỉ những đêm trăng sáng bọn tôi mới tụ tập chơi chung với nhau, mà hầu như ngày nào cũng náo nhiệt suốt cả buổi tối. Dưới ánh trăng, những khuôn mặt ngơ ngác tụm lại, những trò chơi con nít đều đặn diễn ra. Từ chiều, tầm bốn giờ rưỡi, có nhà đã dọn mâm cơm. Nhà tôi thường ăn trễ hơn một chút, khoảng năm giờ. Mùa mưa càng phải ăn sớm để tránh lũ mối lượn lờ tranh ánh đèn dầu.

Đúng 6 giờ 45, phim hoạt hình đài Vũng Tàu kết thúc, cũng là lúc bọn tôi bắt đầu hợp lại từ nhiều phía. Buổi tối thường thích hợp mấy trò tập thể như năm mười, ăn trái cây, bắt mò, thi hát liên khúc, đánh bài (uống nước, quỳ gối, quẹt lọ). Địa điểm ăn chơi là nhà cậu Hai, cách nhà tôi một con mương. Nhà cậu đông con nhất xóm, cậu mợ lại dễ tánh, hiếm khi la mắng lũ quậy bọn tôi. Hôm nào ồn quá, mợ chỉ láp dáp vài tiếng rồi thôi.

Trò đầu tiên phải kể đến là chơi năm mười. Cả bọn thùn trắng đen, hai đứa ở: một đứa giữ cột một đứa đi tìm, số còn lại tha hồ đi trốn. Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hăm lăm… hai đứa úp mặt vô cột cùng đếm, đôi khi ăn gian hí mắt liếc nhìn. Cả đám phút chốc tản đi tìm chỗ núp, với điều kiện không được ra khỏi phạm vi ngôi nhà.

Nhà cậu Hai vách gỗ, không lớn cũng không nhỏ, có nhiều phòng. Bao nhiêu chỗ trống và tối nhất được tận dụng triệt để. Có đứa leo lên cột kèo, ngồi đung đưa như khỉ dòm nhà. Đứa nào nhỏ con chui tọt vô ngăn tủ, nếu lỡ bị phát hiện thì cố kéo chặt cửa tủ. Đứa nào còm nhom khoái ép sát sau cánh cửa, chân đứng nhón. Nhưng vui nhất là bốn năm đứa tranh nhau cái mền cũ kỹ, tay ghì chặt rìa mền gở cách nào cũng không ra. Bên ngoài, ánh đèn le lói bỗng sáng rực, không gian tĩnh mịch cũng dường như chựng lại. Bên trong, mấy cặp mắt mèo chực hờ dõi theo nhất cử nhất động. Chỉ cần đứa đi tìm mò vào trong, hai thằng nhanh chân nhảy ra lấy mền trùm kín, cả bọn chạy ào ra như ong vỡ tổ, mặc cho đứa giữ cột ậm ực không làm gì được.

Trò chơi tiếp tục hai ba bận đã hơn tám giờ. Xa xa nghe văng vẳng tiếng mẹ kêu về ngủ sớm, sáng mai đi học…

Những lá thư không gửi: thư thứ hai

[Notes: an English translation of this post can be found here.]

Ba của con,

Bằng cách này hay cách khác, con biết rồi ba sẽ đọc được lá thư này. Con phải bắt đầu từ đâu? Tự hào về người cha đáng kính một đời hi sinh để lo cho con cái? Hay kể lể những tháng ngày buồn bã nhất con đã trải qua suốt thời thơ ấu? Xã hội này và bạn bè con sẽ ngoảnh mặt quay lưng, hay bắt đầu nhìn con bằng ánh mắt khác? Thôi thì dù sao cũng một lần, con viết cho ba ít dòng. Để mỗi khi đêm về, những vết thương lòng không còn giày vò con được nữa.

Con vẫn biết sự khác biệt giữa hai thế hệ đã tạo một khoảng cách mà cha con mình chẳng bao giờ hiểu nhau được. Ba giữ vai trò trụ cột gia đình, rất gia trưởng, luôn muốn người khác phục tùng theo ý ba. Còn con, như cánh chim lạc đàn. Ai cũng chỉ một lần được sống, nên con muốn tự đứng vững trên đôi chân mình. Một ngày nào đó, có thể con vấp ngã, nhưng con sẽ gắng đứng lên. Có nhiều lúc con tự hỏi về sự tồn tại của mình. Và cũng bao lần con mất niềm tin vào giá trị gia đình.

Lúc nhỏ, con rất tự hào về ba — một người chính trực và luôn sống mẫu mực; ba biết làm rất nhiều việc, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ba cũng vượt qua; ba hiếm khi mất uy tín với ai và cũng không khi nào chè chén bê bếch. Nhưng ba có biết, mọi người đều xa lánh ba, không ai dám gần ba lâu? Cả những chú bác thân nhất cũng ngại tiếp xúc với ba. Ba hà khắc với tất cả mọi người. Ai làm sai điều gì, ba giữ trong lòng và khó tha thứ. Các anh chị con đều sợ mỗi khi nhắc về ba. Sao mình không thể sống chan hòa với nhau?

Nhớ hồi bé xíu, cả nhà ngoại đều ghét ba, họ cũng ghét luôn cả con. Nhưng con vẫn thương ba, đơn giản vì ba là ba của con. Thậm chí người ta còn cắt ngang câu chuyện khi con vô tình chạy tới. Họ sợ con về học lại, rồi ba hạch sách mẹ. Con biết được nên chỉ im lặng, những gì nghe được sẽ như gió cuốn mây trôi. Lứa tuổi hồn nhiên mà con luôn mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mình.

Con không mơ nhà cao cửa rộng, con chỉ ước những bữa cơm gia đình đủ mặt ba thành viên. Dù chỉ một tô canh rau đạm bạc với nồi tép kho, con cũng vui lòng. Nhưng con không dám ngồi chung bàn với ba, cha con mình không hợp khẩu nhau. Chỉ có mẹ cả đời sống nhẫn nhịn bên ba, mà lúc mẹ bệnh ba cũng không quan tâm. Có thời gian dài, con luôn bị ám ảnh, ngày nào nhà mình không có tiếng cãi vả chắc ăn cơm không ngon. Có bao giờ ba thấu hiểu cảm nhận của con?

Lên lớp ba lớp bốn, ba dạy con học. Ba mua cho con tấm bảng lớn, mỗi ngày ba dạy con đổi đơn vị. Tuổi còn mê chơi, con cứ làm sai hoài. Mỗi lần như vậy, ba đánh con thẳng tay. Sợ quá, con làm theo quán tính chứ thật ra trong đầu không biết gì. Ba đánh con nhiều đến nỗi con trở nên chai lì với cây roi. So với những đứa khác, con học rất giỏi, cũng không làm ba hài lòng. Ba thường nói: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Giá như con là đứa mê chơi lêu lổng, không lo học hành, suốt ngày phá làng phá xóm… thì ba có nhận con không?

Mỗi lần đi học, con phải đến trước mặt ba để thưa gởi: “Thưa ba, con đi học!” Có khi con phải lặp đi lặp lại mấy lần để ba nghe thấy. Rồi ba mới cho con vài đồng tiền lẻ để ăn quà. Dần dà, con thấy việc giữ lễ phép như sự ép buộc, không xuất phát từ tấm lòng nữa nên con cũng không màng.

Nhớ hồi lớp năm, con được nhà trường cho đi du lịch thành phố. Đó là lần đầu tiên con đi chơi xa một mình, ba cho con được mười hai ngàn. Con reo mừng, tưởng là nhiều lắm. Nhưng ba biết không, số tiền đó ít ỏi đến nỗi con không mua được một món quà, nên con giữ nguyên mang về. Nhìn mấy bạn đầy đủ, thấy gì cũng mua, con mủi lòng mà nào dám trách.

Một lần, cô tổng phụ trách chọn con tham dự họp mặt người con hiếu thảo. Nghe bạn bè cùng trang lứa ca ngợi về người cha, con thấy hổ thẹn trong lòng. Con biết phải khoe ba của mình thế nào đây? Con kể về mẹ…

Con còn nhớ những hôm thật khuya, ba thức kêu con dậy đi lượm xoài. Cây xoài ngoài vườn rất to và say trái. Mấy trái chín thường rụng ban đêm, mà con vốn sợ ma đâu dám đi một mình. Thấy con ham, ba cũng ráng dẫn con đi. Có hôm lượm được ba bốn trái, con vui mừng hơn bắt được vàng. Rồi hai cha con về nhà ngủ tiếp, một lát sau ba đi làm, rồi sáng con đi học.

Trong giờ sinh học, bạn con mang theo cây sầu riêng làm mẫu vật. Sau tiết học, con xin về nhà trồng. Hơn chục năm rồi mà cây chưa có trái. Ba nói, mỗi lần ra thăm vườn, nhìn thấy cây sầu riêng ba nhớ những ngày con quấn quýt đeo chân ba. Vậy mà hồi đó, ba cố trồng cây thanh long làm chết cây điệp con trồng trước nhà. Con buồn mấy ngày liền.

Ba còn nhớ những lần cha con mình đi tắm sông? Ba cho con một cái bấp-xi, thả con ra giữa dòng, rồi bơi nhanh vô bờ. Giữa mênh mông sóng nước, con sợ lắm, chỉ nhìn về phía ba, cố bơi vào. Giờ nghĩ lại còn thấy ớn lạnh, nhưng hồi đó con rất thích. Con biết ba luôn dõi theo con. Cuộc đời như một dòng xoáy, nó có thể nhấn chìm mình bất cứ lúc nào. Nhưng có ba bên cạnh, con không còn sợ gì nữa.

Có hôm trời mưa tầm tã, sấm chớp ầm ầm, con sợ quá chạy đến võng nằm trên mình ba. Ba kể con nghe những ngày ba đi lính. Mẹ ngồi may cũng tiếp chuyện. Mẹ kể, thuở thiếu thời ba rất đào hoa, làm con cũng thấy hãnh diện. Rồi ba kể con nghe về đồng đội mình, về anh lính Mỹ. Từ bao giờ con đã nuôi ước mơ về vùng đất tự do. Có phải con sinh ra để thực hiện hoài bão của ba?

“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”

Con lớn dần theo tiếng mẹ ầu ơ. Năm học hết cấp II, con xin sang tỉnh học. Những ngày đầu sống tự lập, gặp muôn vàn khó khăn. Mỗi lần về nhà xin tiền là mỗi lần con khóc cạn nước mắt. Ba tính toán với con từng ngày. Con thấy mình vô dụng quá, từng tuổi đó mà vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình. Con muốn buông lơi tất cả. Nhưng rồi con cố bước tới, dẫu phía trước có biết bao điều con không lường được…

Giờ này, mọi chuyện đã qua. Có cay đắng mới biết quý trọng lúc ngọt bùi. Và câu chuyện về cha con mình vẫn chưa kết thúc, phải không ba?

Con của ba.

Previous Older Entries