Gia đình là tiếng gọi thiêng liêng trong văn hoá của người Á Đông, nhất là Việt Nam. Phận làm con cái sinh ra trong đời đương nhiên phải biết hiếu thảo kính yêu cha mẹ, đó là đạo lý tốt đẹp từ bao đời nay. Và với nhiều người, tình cảm gia đình là thứ tình cảm cao quý nhất, thiêng liêng nhất, là thước đo giá trị nhân phẩm của người làm con. Riêng tôi, từ lâu đã không còn cảm nhận được hai tiếng gia đình. Tôi có thể giấu diếm, hay phớt lờ khi có ai đó vô tình hỏi về gia đình mình, nhưng dù thế nào tôi cũng không thay đổi được những gì đã qua. Và đây là câu chuyện của tôi, với ba và… đồng tiền.
Tuổi thơ tôi gắn liền với sự thù ghét của tất cả mọi người với ba mình. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, phải kể chi tiết thế nào để khắc họa hình ảnh của ông. Tôi đã nghe không biết bao lần, từ bao nhiêu người về ông như một người khó khăn đến mức cực đoan. Nhưng trong cái suy nghĩ non nớt có phần thiên vị, tôi cố tìm vô số lý do để lý giải, bào chữa cho sự lập dị của ba, để vẫn yêu kính, thần tượng ba. Thế gian có thể xa lánh, từ mặt ông, nhưng tôi vẫn cứ thương mến, quấn quýt như ba đã từng thương tôi từ lúc chào đời. Nghĩ cũng lạ, con người khi ăn một món gì nhiều quá sẽ đâm chán, tai tôi cũng thế, càng nghe nhiều điều xấu về ba mình, tôi càng trở nên thương ba nhiều hơn. Tôi biết ba là người lẻ loi, cô độc khi sống xa quê, làm rể ở một nơi khác biệt về phong tục văn hoá, đến tôn giáo, chính trị.
Tôi nhớ những ngày bé thơ, nhà nghèo phải ở đậu bên ngoại và hàng xóm. Mỗi ngày ba tôi dậy thật sớm để qua thị xã bắt cá, rồi lặn lội khắp nơi rao bán cho người ta. Nhìn cây đòn gánh tre, tôi thương cho sự vất vả đổ mồ hôi nước mắt kiếm từng đồng từng cắc nuôi tôi khôn lớn. Thấy ba nâng niu từng con cá nhỏ, tôi biết ba rất tỉ mỉ và yêu quý công việc, cũng như thành quả lao động của mình.
Mỗi chiều về, thoáng thấy ba từ đầu ngõ, tôi chạy theo đu cây đòn gánh, reo mừng: “A, ba về! Mẹ ơi, ba về.” Ngày nào cũng vậy, mà cứ như thể ba đi mần ăn xa lâu lắm mới ghé thăm nhà. Tôi loắt choắt theo ba về xem có quà gì: trái ổi, trứng cút, hay chuối nướng? Mẹ ở nhà may vá, cũng rạng rỡ hẳn lên. Rồi mẹ vô bếp làm cơm, khói lam chiều ướt mèm đôi mắt. Ôi, cái tuổi thơ nghèo khó sao mà thương quá! Giờ nhớ lại mà nước mắt cứ lưng tròng, sống mũi cay cay.
Lớn thêm chút, tôi bắt đầu đi học. Tuy không đủ điều kiện như các bạn ở chợ, nhưng năm nào tôi cũng phấn đấu nằm trong tốp những học sinh giỏi của lớp. Tôi đạt nhiều thành tích với vô số giấy khen và phần thưởng như bút viết, tập vở. Năm sau, ba tôi chỉ phải tốn tiền mua bộ sách giáo khoa mới. Ba kiệm lời khen, nhưng ông có tự hào về tôi. Cũng vì thế, tôi càng có nhiều áp lực, học kỳ sau phải giỏi hơn học kỳ trước. Hàng xóm láng giềng cũng chỉ nhìn vào điểm số mà đánh giá, chớ đâu có quan tâm đến những khó khăn, vất vả suốt cả năm học. Với họ, hoặc giỏi hoặc dở, còn học để làm gì và vận dụng kiến thức thế nào thì thôi cứ để cho thầy cô tính. Ba tôi cũng chẳng cần biết, miễn đừng để “đội đít” các bạn nữ vì như thế thật là xấu hổ, không đáng mặt đàn ông.
Đó giờ ba mẹ tôi luôn khắc khẩu, bữa nào thiếu tiếng cãi vả chắc ăn cơm không ngon. Mấy bận mẹ dắt tôi về thăm ngoại, các dì hay hỏi về ba tôi. Vốn tính thật thà, mẹ cũng kể ngọn ngành những ấm ức phải chịu đựng khi sống cùng ba. Thương chị, các dì mới ghét ông nên họ không bao giờ lên nhà tôi chơi, cốt ý tránh chạm mặt con người đáng sợ, đáng khinh khỉnh ấy. Thậm chí, họ còn rù rì tai tôi từ dụ dỗ đến hăm dọa, họ dạy tôi ghét ba mình. Về nhà, chẳng khi nào tôi học lại, tôi sợ ba sẽ hạch sách mẹ. Nhưng ba tôi thừa biết nên cứ cằn nhằn, chì chiết mẹ. Ức quá mẹ lôi tôi ra đánh, thế là ba quay qua bênh vực. Có giai đoạn tôi như công cụ, tai mắt chuyên canh chừng và mách lẽo khi ông không có mặt. Ông còn dạy tôi chửi mẹ: “Bà khùng, bà mát.” Ba à! Con không biết ba nghĩ gì khi dạy con những điều đó? Con là gì giữa những mâu thuẫn của hai người, giữa ba và nhà ngoại, giữa mẹ và nhà nội?
Tôi lớn khôn thêm, vẫn học giỏi và thỉnh thoảng còn được thưởng những món tiền nhỏ. Tôi cũng học đòi theo bạn bè trang lứa mua đồ chơi mới, truyện tranh, sách báo, đồng hồ… thậm chí cả kim từ điển. Mẹ làm gì có tiền cho tôi mua những thứ ấy, tôi chỉ còn trông cậy vào ba. Tôi đòi gì ba cũng cho, nhưng ông bắt tôi phải hùn hết số tiền mình có, rồi mới bù vào phần thiếu. Trong cách suy nghĩ của ba: con nít không nên giữ tiền, có tiền nhiều ắt sẽ hư hỏng, xài bậy; cha mẹ là người cưu mang hoạn dưỡng nên có toàn quyền quyết định. Ừ thì, “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”–xã hội này đã tin như vậy rồi thì tôi chỉ còn cách vâng lời, chứ biết làm gì hơn? Ngày nào còn ở bên cha mẹ, con cái không có quyền làm người lớn, không được tự mình quyết định mọi chuyện dù lớn hay nhỏ, không được làm sai, không được sa ngã.
Tôi càng lớn, ông càng khó khăn, khắc nghiệt. Hễ trong xóm có ai méc điều gì, không cần biết sai quấy, nhất định ông sẽ cho tôi một trận nên thân. Với ông, thương là cho roi cho vọt, nên ông chọn những nhánh tre nhỏ nhất, cây lùn dai nhất để đánh tôi thẳng tay. Mấy lúc đó, chỉ có mẹ là nơi cứu cánh, mẹ xót cho tôi, khóc vì tôi, chịu đòn thay tôi. Vì thế tôi càng trở nên thương mẹ, biết cảm thông cho những năm tháng tủi nhục, cam phận dưới sự bức hiếp của ba tôi.
Trong nhà, ba là trụ cột chính, ông dùng tiền để củng cố cho sự gia trưởng của mình. Nên hết cấp II, tôi quyết định rời xa tổ ấm, bắt đầu cuộc sống tự lập. Suốt năm lớp 10, hàng tháng tôi phải ngửa tay xin tiền ăn học, để phải nghe ông giảng giải đạo lý làm người, nghe kể lể những khó nhọc kiếm đồng tiền, rồi mới được phát cho mấy trăm ngàn ít ỏi. Vô hình chung tôi như một gánh nợ, và do chưa thể tự lo chén cơm manh áo, tôi sống bị động, ăn bám vào gia đình. Trong những tháng ngày tối tăm túng quẫn, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của một người bạn. Từ đó tôi bắt đầu sống độc lập về tài chính, ông cũng ngay tức khắc cắt chu cấp, nghĩ rằng sẽ có ngày tôi quay về quỳ dưới chân để chịu sự sai khiến. (Cũng có thể lắm chứ, nhưng không phải bây giờ.)
Sau nhiều năm bươn chải, tôi cũng ra trường, học thành tài, và kiếm được việc làm ổn định. Giờ đây tôi còn có điều kiện để giúp đỡ người khác. Và ba tôi lại tự hào, khoe mẻ với bạn bè, người thân: không có công một tay ông nuôi dưỡng, chắc gì tôi có được như ngày hôm nay?
Bạn thân mến, trên đời này cổ tích không có thật. Có thể bạn quá vô tư nên nghĩ rằng mình là công chúa, hoàng tử, sinh ra để được vua cha và mẫu hậu thương yêu chiều chuộng. Mỗi người đều có lý do cho sự tồn tại: kết tinh của tình yêu (nếu bạn tin như vậy), duy trì nòi giống, phụng dưỡng cha mẹ, hiến bộ phận cơ thể để cứu chữa bệnh tật ai đó, hoặc có khi chỉ do tai nạn của đam mê dục vọng. Cha mẹ sinh con mặc nhiên có quyền yêu thương, dạy dỗ theo cách họ muốn. Chắc bạn cũng không ngờ rằng mình chỉ là món đồ chơi có cảm xúc. Họ chọn vai mẹ hiền, người cha đạo đức, còn bạn mãi mãi là đứa con hư hỏng nếu không ngoan ngoãn, vâng lời.
Tôi từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đứng trước bờ vực hôn nhân đổ vỡ, cố khoác lên mình chiếc áo trách nhiệm vì con. Mà thực ra đứa bé lại chính là tia hi vọng, niềm an ủi cho những thất bại của cha mẹ. Rồi cũng chính đứa bé đó thành gánh nặng cơm áo gạo tiền, là món nợ những lúc ốm đau, bệnh tật hay tới tuổi ăn học. Cuộc đời là sự giả tạo, là vở kịch vụng khi tình thương không đặt đúng chỗ.
Tình cảm gia đình, với tôi, như là chiếc bánh. Cha mẹ mang ra thì tôi phải ăn. Không cần biết ngon dở, tôi cũng cố nuốt. Cũng chẳng phải do tôi thấu hiểu công cha vo gạo, công mẹ nắn bột, tôi cứ cố nhai. Nếu lỡ tôi có sặc sụa hay nghẹn nghào vì bánh khô, người đời sẽ cười chê, thế gian ruồng bỏ, xa lánh. Rồi họ dạy con mình biết mỉm cười khi ăn, biết kính cẩn khi nhận. Con họ cũng quen vâng dạ, gia đình ấm êm, xã hội tiến bộ. Mà cũng phải, cuộc sống ngoài kia đầy rẫy những xấu xa, tội ác. Sao không vô tư, sao không ngờ nghệch để tạm quên đi cuộc đời buồn thảm, cố xoắn làm gì?!