Giáng sinh

Số là có anh bạn gợi ý nên hôm nay tôi mạo muội viết về tôn giáo một chút. Bạn cũng biết tôi vốn dĩ hiếm khi nói về đề tài kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị chỗ đông người. Nhưng lâu lâu thiết nghĩ cũng nên đề cập ít nhiều. Đây đơn thuần là cảm nhận thầm kín của tôi, mong người đọc xem như cơn gió thoảng.

Nhà thờ

Tôi nhớ lúc nhỏ, cứ mỗi sáng Chủ Nhật là hay theo ba đi nhà thờ. Nhà thờ Tin lành nằm ngay chân cầu sắt lớn, rất thuận tiện. Những ngày đầu tôi thích thú vì đi nhà thờ gặp được rất nhiều chú bác, ai nhìn cũng trang nghiêm đĩnh đạc. Tới giờ tôi vẫn nghĩ những người hướng đạo đa số thuộc thành phần trí thức, nhất là ở quê ngày đó đạo giáo rất nhạy cảm, đặc biệt là đạo Chúa.

Tuần nào đi lễ tôi cũng gặp con nhỏ con cô bán trái cây ngoài chợ. Nói con nhỏ vậy thôi chứ nó lớn tuổi hơn tôi, có khuôn mặt tròn trĩnh với đôi mắt long lanh. Nghe có vẻ mắc cười chứ hồi đó tôi nghĩ nó là Thúy Vân hay Hằng Nga trong truyện thần tiên.

Sân trước nhà thờ có trồng hai cây nhãn. Nhiều lần tôi lén trèo lên ngồi đung đưa chân, dù hay bị người lớn la rầy. Mùa nhãn chín, trái thơm phưng phức cũng không dám hái.

Ngoài nhà thờ chính, bên hông phải còn có phòng thờ phượng và phòng sinh hoạt. Nhưng tôi chỉ mê cái ao cá sau nhà có rất nhiều cá bảy màu, cá ba đuôi sặc sỡ. Tôi cũng khoái chạy nhảy lung tung, tưởng tượng như đang chơi năm mười với mấy đứa khác. Thật ra là thui thủi một mình, đâu có dám quen ai.

Ngoài việc hứng thú với cái ao cá, tôi còn chìm đắm theo tiếng nhạc mỗi khi thầy đệm đàn, lúc với cây organ sang trọng khi thì cây piano accordion ngộ nghĩnh. Nhìn dáng thầy ôm đàn hai tay xòe ra rồi xếp lại, đồng điệu với âm thanh du dương phát ra, tôi mơ một ngày được đứng biểu diễn như thế.

Tôi còn được gửi vào sinh hoạt trong đội thiếu nhi. Mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, tôi được diễn văn nghệ chung với các anh chị lớn. Một lần tôi đóng vai chú chiên, ra sân khấu trùm mền kín mít mà vẫn run như cầy sấy. Vậy mà tôi tự hào khoác lác với lũ bạn trong xóm.

Ngày vui càng qua mau, tôi càng chán đi nhà thờ. Nhớ mỗi lần lén ngước nhìn những người xung quanh cầu nguyện, đứng lặng yên như pho tượng khô khan lạnh lẽo, tôi cảm nhận một sự xa cách. Cuối buổi là giây phút thờ phượng Chúa, các con chiên ngoan đạo nhắm mắt hòa ca, rồi hai người được phân công cầm hai hộp gỗ đi từ từ qua ba dãy hàng ghế. Đi tới đâu ai cũng thành kính bỏ vào một lọn tiền, nom có vẻ tế nhị và kín đáo. Mà tôi cứ thắc mắc tại sao người ta không làm cái thùng công đức, ai có lòng thì tự nguyện đóng góp?

Hai ba năm sau tôi lớn thêm, bắt đầu mê chơi nhiều hơn. Rồi mỗi sáng Chủ Nhật bị ba thúc đi nhà thờ ngay lúc cao hứng, tôi biết cáu gắt. Ngồi lì suốt cả buổi trong nhà thờ, tôi chẳng biết làm gì. Trên bục thì thầy truyền đạo thao thao bất tuyệt, ở dưới thì tôi hậm hực như vịt nghe sấm, không biết bắt đầu từ đâu. Thỉnh thoảng còn được yêu cầu cùng đọc một trang nào đó trong Kinh thánh, hay cùng hòa giọng một bản Thánh ca. Rồi đứng lên ngồi xuống, đứng lên ngồi xuống. Sao người ta không đứng yên suốt buổi như vậy nhỉ?

Nhưng có lẽ khó hiểu nhất với đầu óc nông cạn của tôi là những giáo điều thầy giảng. Ba tôi nói thầy truyền đạo phải thật thông thái và nắm rõ thời cuộc. Cho nên trong mỗi bài giảng thầy đều lồng ghép một thông điệp hay tin tức nóng hổi nào đó, rồi đem ra bàn luận. Nói đàm luận thì đúng hơn vì chỉ có một chiều–người đứng thì nói người ngồi thì nghe. Uất ức nhất là mỗi khi nghe thầy giảng về thuyết tạo hóa, tim tôi rung lên bần bật với những điều nghe được trái ngược bài học ở trường. Giọng thầy sao thật mỉa mai báng bổ…

Chùa

Nếu như Chủ Nhật nào cũng theo ba đi nhà thờ thì thỉnh thoảng tôi mới theo mẹ đi chùa ngày rằm. Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn ngay rìa chợ, phía trước là hàng vịt ồn ào, nhất là vào những phiên chợ Tết. Bước vào cổng chùa đã nghe tiếng chuông ngân vang hương thơm nghi ngút, không gian cũng trầm lắng lại. Sự xô bồ của cảnh chợ dường như mất hẳn, lòng người mới thật khoan thai.

Đi chùa tôi gặp rất nhiều bà con thân thích, thời gian viếng chùa cũng nhanh gọn. Khách viếng chùa đủ mọi thành phần, khá nhiều khách vãng lai. Điều này có lẽ hơi khác với nhà thờ vì đa số được người quen dẫn dắt.

Sau khi tranh thủ thắp nhang cúng vái, ai nấy ra về. Có lần hai mẹ con ở lại tới giờ thuyết pháp, tôi quan sát thấy mọi người ngồi xếp bằng, thành tâm đọc kinh theo tiếng gõ mõ. Lúc đó tôi tranh thủ lượn vòng, mắt tròn xoe nhìn những pho tượng Phật vàng óng, phúc hậu. Tôi cũng hay trèo cây mận, cây mai. Mấy bà bắt gặp thường nhẹ nhàng khuyên bảo: “Con đừng trèo nghe con!” Họ chưa bao giờ lườm tôi bằng ánh mắt kỳ thị như nơi tôi vừa kể…

Trong tôi đương nhiên có sự so sánh, nhưng rồi tôi chỉ chọn một cuộc sống tự do phóng túng, thanh tịnh và hướng thiện.

Advertisement

Con đường

Do chỗ làm hiện tại nằm cách xa trung tâm nên thường ngày, tôi mất khoảng bốn mươi phút đi xe buýt. Lên xe, tôi lúc nào cũng bận rộn với chiếc điện thoại, không nghe nhạc xem phim thì cũng tranh thủ cập nhật tin tức, hay trò chuyện với mấy người bạn khác múi giờ. Cũng có khi bất chợt lòng mênh mang, tôi ngồi lặng yên nhìn cảnh vật hai bên đường.

Singapore không có những cánh đồng bát ngát; và thiên nhiên thì đã được con người vun vén. Nhưng đi đâu cũng thấy hàng cây xanh tốt, rong rêu bám đầy, làm gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một miền quê yên bình. Quê hương–ai đi xa có nhớ? Với tôi thì nó đã nằm trọn trong trái tim.

Quê hương của tôi là con đường đi học những ngày còn thơ.

Con đường quê rợp bóng mát, uốn lượn dưới liếp dừa xanh, một bên là dòng sông hiền hòa, neo đậu mấy chiếc xuồng con. Mùa khô, con đường vàng tia nắng, đất nứt nẻ khát khao vì đợi chờ, đâu đó còn in đôi bàn chân bé xíu. Đi học về qua đoạn cát trắng, tôi kiếm tìm mấy tổ cút tròn xoe ngộ nghĩnh. Thấy tổ nào to sâu, tôi phồng mang thổi, bắt về mấy con cút bé xíu, bỏ vô cái muỗng dừa, rồi đổ đầy cát cho chúng làm tổ. Không gian chật chội, từng tổ cút chen nhau như những bông hoa đất trông thật đẹp.

“Cút cụt đuôi ai nuôi cút lớn?
Cút lấy chồng ai bồng cút con?”

Mùa mưa, đường lầy lội như cánh đồng mới kéo cày, mùi bùn non xốc lên tới mũi. Mỗi lần đi học tôi xăn quần quá đầu gối, tay ôm cặp tay xách dép, phải hết sức nhẹ nhàng tránh làm lấm chiếc áo trắng tinh. Nói thiệt là tôi rất thích đặt bàn chân trần lên từng thớ đất trơn mềm. Lúc đó tôi còn chưa biết mùi cực khổ, được đi học đã là niềm vui.

Mấy lúc mưa to, tôi xin đục ở ngôi nhà ven đường, mà cũng chỉ được đứng ngoài hành lang vì chân dính đầy bùn đất. Áo mưa của tôi là miếng mũ vuông vức khoác lên người như tấm áo choàng. Bữa nào trễ tôi mặc vào đại, rồi lao mình dưới cơn mưa xối xả, đầu đội chiếc nón kết ba mua cho.

Con đường vắng chỉ mình tôi nghe từng tiếng lộp độp trên đầu. Được một đoạn, nước mưa rút vào nón nặng trĩu, tôi bước chân càng nhanh. Ấy vậy mà ngày nào cũng đến trường đúng giờ, chưa khi nào bỏ học.

Trước khi vào lớp, tôi tạt ngang cầu tàu để rửa chân. Đó là một bến tàu nhỏ ghe xuồng tấp nập, luôn nhộn nhịp tiếng bước chân của mấy chú làm công vác nước đá. Nước lớn đứng trên bờ có thể thòng chân xuống rửa, nước cạn phải lội xuống một đoạn. Mé sông rất lài, lởm chởm đầy cọc nhọn cùng vô số viên đá lớn nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi còn bắt gặp mấy đứa con nít đang lượm ve chai hay đi chài nước cạn…

(Còn tiếp)

Vietnam Idol 2010

Những ai theo dõi Vietnam Idol 2010 gần đây chắc không khỏi ngỡ ngàng với kết quả top 4. Với kết quả này, Uyên Linh là thí sinh có số phiếu bầu chọn thấp nhất. Lẽ ra theo quy định cuộc thi, cô sẽ phải hát ca khúc chia tay, hoặc để dừng ở đây hoặc để thuyết phục ban giám khảo một cơ hội đi tiếp. Nhưng bất ngờ, Đăng Khoa quyết định rút lui nhường tấm vé dễ dàng có được cho Uyên Linh.

Thiết nghĩ điều quan trọng trong mỗi cuộc chơi là biết dừng lại đúng lúc. Đăng Khoa đã làm rất tốt điều này, ít nhiều cũng tạo một ấn tượng đẹp đối với những ai quan tâm. Và tôi tiếc cho trường hợp của Uyên Linh–người có tài năng thực sự. Nhưng tôi không thể phát biểu cảm nhận về điều này, càng không thể bình luận gì thêm. Đơn giản vì tôi không phải là người trong cuộc.

Người ta thường không chấp nhận hay cố ý chối bỏ thực tế khi nó không theo những gì mong muốn. Thực tế biến giám khảo Diễm Quỳnh xưa nay vốn ôn hòa trở thành lố bịch với chính phán đoán của mình, mà trước đó đại đa số chúng ta đều đồng tình. Thực tế thúc đẩy giám khảo Nguyễn Quang Dũng chất vấn Đăng Khoa, rồi đánh mất niềm tin vào số đông khán giả. Thực tế cũng xém chút xây dựng một hình tượng ca sĩ đại diện cho thế hệ kém tài, mê hào nhoáng. Và cũng chính cái thực tế đó đã làm cho vài người hồ nghi về thái độ của Uyên Linh.

Nhưng rõ ràng Đăng Khoa đã tự nguyện rút lui, trình bày rất rõ ràng quan điểm của mình. Tôi chắc sẽ không theo dõi sự nghiệp của Đăng Khoa sau cuộc thi, nhưng tôi tôn trọng quyết định đó. Cũng như tôi cảm thông cho sự bối rối của Uyên Linh với những gì đang diễn ra trước mắt.

Tôi yêu mến giọng ca Uyên Linh ngay từ đầu. Tôi đánh giá cao sự trưởng thành và khả năng giao tiếp chân tình của bạn với khán giả. Nếu trong giây phút mất bình tĩnh bạn từ chối nghĩa cử của Đăng Khoa thì chắc mọi việc đã trở nên tồi tệ. Tôi tin Uyên Linh xứng đáng với sự tin yêu của mọi người. Hy vọng Uyên Linh sẽ dũng cảm bước tới, như sự can đảm rút lui của Đăng Khoa.