Những lá thư không gửi: thư thứ nhất

[Notes: an English translation of this post can be found here.]

Chị thương mến, em biết chị sẽ không bao giờ đọc được lá thư này, nhưng em vẫn muốn viết. Em viết để ôn lại những kỷ niệm ngày bé thơ, được chị thương yêu, che chở.

Trước hết, em xin thú thật là không có ký ức gì về những ngày được chị ẵm bồng. Nhưng câu chuyện về chị em mình, em thuộc nằm lòng qua những lời mẹ kể. Ngày đó, nhà mình nghèo lắm, phải ở đậu. Ba mẹ thì đầu tắt mặt tối lo kiếm miếng ăn, nuôi mấy chị em mình. Nên từ nhỏ chị đã phải ở nhà trông em và phụ mẹ bếp núc. Tuổi thơ chị chịu nhiều thiệt thòi, cực khổ, ngày ngày mò cua bắt ốc. Có hôm vì mê chơi để em té, bị mẹ đánh đòn, chị cũng không hờn giận.

Hoàn cảnh gia đình mình cũng nhiều trớ trêu, nhưng em biết chị luôn thương em. Nhất là những ngày sống ở quê ngoại, mình thường bị người khác hiếp đáp, ghẻ lạnh, chắc chị còn nhớ? Rồi nhà mình dọn đi nơi khác, các chị lớn đã có chồng. Tuy chị không được học hành chu đáo, nhưng có củ khoai, trái ổi, chị cũng dành nguyên cho em. Đúng vậy không chị?

Ngày em đi học lớp một, bắt đầu biết cảm nhận về sự tồn tại thì chị cũng đã đi lấy chồng. Từ đó em ít được gặp chị, thiếu đi sự chăm nom ân cần từ vòng tay chị. Sang nhà chồng, chị càng thêm vất vả trăm bề nhưng lúc nào cũng kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Chị dạy cho em rất nhiều, nhưng bài học lớn nhất chính là đức tính của chị: làm người phải sống lương thiện, không tham lam, không lừa lọc.

Năm em học hết phổ thông, lên Sài Gòn, lại được ở gần chị. Những lần chị em mình gặp nhau, toàn kể chuyện vui. Nhưng cuộc đời chị nhiều lắm những nỗi buồn, em biết được qua đôi mắt chị. Em lớn rồi, mà chị vẫn lo cho em từng li từng tí. Nhiều lúc em nghĩ mình như đứa trẻ thơ, luôn luôn sống trong sự đùm bọc của chị. Em làm sai, chị luôn đỡ lời, chưa khi nào ghét bỏ em. Em suy nghĩ nông nổi, chị nhẹ nhàng khuyên lơi.

Chị còn nhớ, có món gì ngon, hai chị em cứ nhường nhau. Chị bảo, “món này ăn không ngon, chị không thích.” Chị nói vậy là để em được ăn nhiều. Em cũng cố ăn để chị vui. Tuy không nói ra, nhưng em thấy hết, hiểu hết.

Những ngày đầu em sống xa quê hương, em cũng có chị kề bên. Chị đi làm thật vất vả, mà mỗi khi em tới chơi chị luôn tươi cười. Em chưa có dịp dắt chị đi đây đó một vòng thì chị đã về.

Lần nào em về thăm nhà, dù bận rộn cách mấy, chị cũng ráng lên chơi, dắt theo mấy đứa cháu nhỏ để em khỏi buồn. Cả nhà quây quần một ngày, chị nấu em ăn rất nhiều món. Tuy mọi người chê dở, nhưng em ăn thấy ngon, vì đã quen đồ ăn chị nấu.

Bây giờ, em đã trưởng thành nhiều. Em chưa làm được điều gì lớn lao, nhưng chị luôn tự hào về em. Em đi dù xa cũng không bao giờ quên chị, người chị hiền hậu nhất, tuyệt vời nhất.

Em của chị.

Một ngày làm việc

Tôi chưa bao giờ là một ngôi sao hay nhân vật nổi tiếng để được phỏng vấn về lịch làm việc và sinh hoạt của một ngày. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ đôi chút để mọi người biết thêm về công việc của một nhân viên thiết kế web.

Buổi sáng tỉnh giấc từ lúc 6g, tắt chuông đồng hồ báo thức, ngủ tiếp một lát trước khi thức dậy hẳn. Thường là 6g30 hoặc 7g tôi mới ra khỏi giường, lật đật lấy bàn chải ngâm nước cho mềm mới đánh răng. Sau đó, chuẩn bị điểm tâm; thực đơn hằng ngày gồm bánh mì ăn với trứng gà ốp la, thịt chà bông hoặc kem. Hôm nào lười hay hết đồ dự trữ thì ăn mì gói. Xong bữa sáng là vội vàng tắm rửa, ủi đồ, thay đồ, chỉnh trang một chút, và rời nhà lúc 8g — sớm hơn, trễ hơn tùy bữa.

Từ nhà đến trạm xe buýt hoặc xe điện mất khoảng 5 phút đi bộ, rất tốt để khởi động cơ thể. Tôi thích đi xe buýt vì ít khách, dễ tìm được một chỗ ngồi, tha hồ mà đọc báo trên điện thoại, hay tranh thủ chợp mắt nếu còn ngây ngủ. Thời gian đến chỗ làm mất khoảng 50 phút, hơi bất tiện vì phải đổi xe, không có tuyến nào đi thẳng.

Công ty nằm xa trung tâm, tọa lạc trên một khu khá rộng, gồm bốn tòa nhà chính. Đây là công ty chính phủ, trực thuộc cấp bộ nên được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Nhân viên buộc phải đeo bảng tên và thẻ ra vào. Tất cả các thiết bị ghi hình đều cấm sử dụng trong toàn bộ khuôn viên. Tuy là quy định gắt gao như vậy, nhiều nhân viên vẫn mang điện thoại có chức năng chụp ảnh vào. Lúc sử dụng phải hết sức thận trọng.

Giờ làm việc từ 8g30 sáng đến 6g tối, nghỉ trưa 45 phút. Thỉnh thoảng tôi đi làm đúng giờ hoặc sớm, đa phần tới trễ nửa tiếng. Sau khi đăng nhập vào hệ thống, tôi kiểm tra các thiết bị mình quản lý có làm việc tốt không, rồi chính thức bắt đầu làm việc. Việc đầu tiên là khởi động phần mềm quản lý thư điện tử, mở thường trực để nhận yêu cầu công việc. Bình thường buổi sáng ít khi có thư mới, trừ đôi khi yêu cầu hôm trước đến muộn. Thế là tôi tranh thủ đọc báo lấy tin tức. Trang đầu tiên là Google Fast Flip lướt qua danh mục khoa học công nghệ, rồi đến Digg Technology, và Smashing Magazine. Sau đó lần lượt đọc thêm các trang chuyên đề về thế giới Mac và các sản phẩm Apple như: MacRumors, Macworld… Hết các trang tin tiếng Anh, tôi bắt đầu lướt qua các trang tiếng Việt. Lúc này tin tức Việt Nam mới được cập nhật, như: VnExpress, Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online…

Trưa trưa tầm 10g30 sẽ bắt đầu nhận yêu cầu từ các bộ phận. Công việc hết sức nhẹ nhàng: cập nhật trang web công ty và các trang nội bộ. Nhiệm vụ chính: cập nhật, xóa bỏ, thay thế, hoặc tạo mới các tài liệu, thông cáo báo chí. Khi nào công ty có đại biểu viếng thăm, các phòng ban sẽ gửi yêu cầu thiết lập bản tin chào mừng, được hiển thị trên các màn hình lớn đặt xung quanh các tòa nhà. Thông tin được trao đổi chủ yếu qua email, thỉnh thoảng bằng điện thoại. Tất cả đều phải thông qua phòng thông tin xét duyệt và được lưu trữ cho công tác kiểm toán.

Buổi chiều sau khi ăn trưa, nếu giải quyết hết các công việc — thường rất nhanh chóng, tôi lại tiếp tục nghiên cứu về thiết kế và phát triển web. Mấy khi buồn ngủ và có cảm hứng, tôi dành thời gian để viết. Tôi thích viết về miền quê Việt Nam, nơi tôi trải qua tuổi thơ. Sau khi hoàn chỉnh và biên tập thật kỹ, tôi cho đăng bài. Kết thúc một ngày làm việc lúc 6g.

Viết

Nhiều người thắc mắc vì sao tôi hay viết gần đây. Câu trả lời: là vì tôi yêu văn chương.

Vâng, tôi thực sự yêu văn chương. Nhưng tôi lại không thích học văn. Tôi thích vận dụng ngôn ngữ, tìm cái hay trong từng câu chữ. Tôi không thích viết nhật ký. Tôi muốn viết để người khác đọc. Và tôi cũng là một độc giả. Tôi đọc tất cả những gì đã viết, cố gắng gọt giũa từng lời lẽ. Không phải để hay hơn, mà để được rõ ý và không thô thiển.

Tôi không có tham vọng mọi người hiểu hơn về mình thông qua những gì tôi viết. Cuộc sống ngày nay, ai cũng bận rộn, người ta đâu còn thì giờ để dành quan tâm, tìm hiểu một người. Tôi chẳng phải là một nhân vật gì đặc biệt, lại càng không có gì hay ho, thú vị. Nhưng tôi sẽ vui nếu bạn tìm thấy đâu đó hình ảnh quen thuộc như những gì tôi trải qua. Đơn giản vậy thôi.

Tôi không có nhiều lời hoa mỹ — nếu có, tôi đã làm thơ. Nhưng thơ kiểu tụi choai choai bây giờ hay làm, đại khái tỏ chí nam nhi, thì rỗng tuếch quá. Tôi viết văn. Mà cũng chẳng có chủ đề gì. Chỉ là viết lan man. Trước hết để mình khỏi quên ngôn ngữ. Khi viết ra một điều gì, đầu óc sẽ thanh thản hơn, suy nghĩ thêm phóng khoáng, chừa chỗ cho nhiều điều mới mẻ sắp đến.

Tôi lớn lên từ vùng quê hun hút, nghèo nàn, cằn cõi. Đường tôi đi lầy lội bùn đất đỏ. Tôi đã gặp nhiều người, làm nhiều việc. Thời gian có lúc trôi thật nhanh, có khi lê thê vô tận. Những ngày buồn, ngày vui tiếp nối. Giờ là lúc tôi nhìn lại chặng đường đã qua. Tôi nay đã già.

Tôi không phê phán cuộc đời này. Tôi chỉ viết thật về nó, dưới góc nhìn và suy nghĩ hạn hẹp của một người học viết. Và khi bạn nói thật, bạn không cần nhớ gì nữa.

Định kiến

Mỗi cá nhân sống trong một môi trường xã hội chịu ảnh hưởng và ràng buộc bởi cộng đồng đó. Riêng tôi, dù không được quyền lựa chọn, sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa cổ truyền mang đậm chất Á Đông. Nếu xét theo một vài chuẩn mực đạo đức, có lẽ tôi là một người không ra gì. Tôi không cố tình che giấu điều đó, cũng không phải tôi xem nhẹ những luân thường đạo lý, những truyền thống vốn có. Bạn không nên vội phán xét tôi. Vì tôi cho rằng, không ai có quyền và tư cách để phán xét người khác. Đây chẳng qua là những suy nghĩ thật lòng tôi muốn chia sẻ cùng bạn.

“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

Tôi thừa biết cha mẹ nào cũng thương yêu, che chở, đùm bọc và luôn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Nhưng tôi không thể bám víu vào đó mà sống. Tôi học sinh tồn và lớn lên từ những sai lầm của mình. Tôi không đi theo những định hướng hay sự mong chờ của cha mẹ. Và với tôi, cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng. Nếu một ngày vì không nghe lời dạy bảo mà vấp ngã, thì tôi có đáng chê trách? Dù sao, đấy cũng là đường tôi đi, lựa chọn do tôi quyết định.

Bạn nghĩ gì khi nghe chính những người thân mình nói: “ba mẹ sẽ rất vui và tự hào nếu con được như giáo sư Ngô Bảo Châu.” Tôi sẽ không bao giờ được như anh, một nhân vật xuất chúng được nhiều người trọng vọng, lấy làm niềm tự hào. Vậy hóa ra tôi là một sự sai lầm, đáng xấu hổ vì tôi thất bại? Cả cuộc đời tôi phải sống theo ý muốn của người khác? Tất cả những gì tôi làm được, dù thành công hay thất bại, đều không quan trọng?

Tôi không làm tròn vai trò của một đứa con ngoan. Tôi thường không ăn muối và hay cãi lại cha mẹ mình, bạn ạ.

“Trọng thầy mới được làm thầy”

Vâng, tôi vẫn rất kính trọng những thầy cô của mình. Thầy cô đã dìu dắt, dạy dỗ tôi những bài học đầu tiên. Những tháng ngày đi học, tôi may mắn có được những thầy cô tâm huyết, cả đời hy sinh và tận tụy vì sự nghiệp giáo dục, uốn nắn những mầm non đâm chồi nảy lộc. Thương lắm mái tóc muối tiêu, bụi phấn rơi, tiếng kêu cót két khi thầy viết bảng. Quên sao được những lần cô phạt, roi vọt lúc tôi làm toán sai hay không thuộc bài. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm.

Nhưng thầy cô không phải là những tấm gương soi. Tôi không nhớ có khi nào tôi ham đến trường để được học chữ nghĩa. Ký ức hiện về là chuỗi ngày khiên cưỡng, sống ép mình trong khuôn khổ. Lớp học tẻ nhạt quá, chán quá. Học trò là những khán giả thụ động, thầy cô như những nghệ sĩ khô khan, cùng gượng gạo cho xong một vở kịch tồi. Thầy cô lúc nào cũng phải chuẩn mực trước học trò và đồng nghiệp. Giữa thầy trò luôn có một khoảng cách, người trên kẻ dưới. Tôi chưa bao giờ có một người thầy như là một người bạn thân.

Với tôi, nghề nào cũng cao quý, cũng làm đẹp cho đời. Xét cho cùng, đi dạy cũng chỉ là một công việc, thầy cô cũng chỉ là những người thợ. Nhưng học trò lại không phải là khách hàng?! Cuộc đời vốn đã ngắn ngủi, mà chúng ta không xây dựng nổi một môi trường chan hòa, không sống thật với nhau. Sao phải là trò giỏi để được ưu ái?

Một câu chuyện

Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện. Có một cặp vợ chồng trẻ, sinh được một cô con gái dễ thương, ngoan ngoãn. Đó là khoảng thời gian cả gia đình sống hạnh phúc.

Rồi những ngày tháng êm đềm qua mau khi cô con gái mắc phải chứng bệnh nan y. Vì thương con, cha mẹ cô làm đủ mọi thứ, nhất là người mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Theo lời gợi ý của bác sĩ, hai vợ chồng quyết định sinh thêm một người con, với hy vọng mong manh cứu chữa được bệnh tình cho cô bé. Cô con gái thứ hai kháu khỉnh, hiếu động ra đời. Con bé rất mến và gần gũi người chị bất hạnh của mình.

Đến một ngày, cô bé con dưới mười tuổi ấy ra tòa kiện chính cha mẹ mình. Con bé cho rằng mình được sinh ra nhằm một mục đích. Cả cuộc đời cô sống là để hy sinh từng phần cơ thể nhằm chữa bệnh cho người chị. Người mẹ đau khổ giờ rất gay gắt, như không thể tin được điều đó. Người mẹ khẳng định mình đã sinh ra con bé và có toàn quyền quyết định, nhất là lúc con bé ấy còn quá nhỏ. Còn con bé lại quả quyết: mình cũng quan trọng và có quyền được sống một cuộc sống như mình mong muốn. Cô không thể tiếp tục chịu đựng những đau đớn mỗi khi lên bàn mổ để lấy xương, tủy ghép cho chị.

Cuối cùng, mọi việc vỡ lẽ khi chính người chị mang bệnh hiểm nghèo đã ép em mình phải làm như thế. Cô chị muốn ra đi được thanh thản, muốn hy sinh để cô em có được cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Và hơn hết, cô không muốn người mẹ kính yêu phải chịu nhiều đau khổ vì cô. (My sister’s keeper – 2009, Cameron Diaz)

Tết Trung Thu

Lại sắp đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, ngày Tết mà trẻ con khắp nơi háo hức chờ đợi. Từ lâu, Tết Trung Thu đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng cho cả người lớn, mọi tầng lớp xã hội. Họ đua nhau chúc tụng, nào quà cáp nào phong bì, trông thật rình rang và nhộn nhịp. Tôi chẳng quan tâm. Trung Thu cũng như mọi ngày, không có gì đặc biệt, chỉ trừ thỉnh thoảng họp mặt vài người bạn thân, chạy khắp những nẻo đường đông đúc, bụi bặm, rình rập.

Nhớ hồi nhỏ, mỗi dịp tháng Tám về là bọn con nít chúng tôi khấp khởi. Cả xóm có cỡ chục đứa con nít trạc tuổi, ai cũng mê chơi. Trước đó khoảng một tuần, bầu không khí chuẩn bị rất sôi nổi. Đứa nào cũng nhủ sẽ thiết kế một chiếc lồng đèn độc đáo nhất, lạ mắt nhất. Tùy theo sự khéo tay của từng đứa mà chúng tôi làm những chiếc lồng đèn khác nhau — nào ngôi sao, nào cá chép. Vật liệu để làm một chiếc lồng đèn hết sức đơn giản và không tốn kém, bao gồm: một cây trúc nhỏ, vài tờ giấy màu, dây chì, hồ dán, kéo cắt giấy, và kim tuyến. Nhà tôi không có trúc nên phải đi xin, mà cũng có khi đi trộm với mấy đứa khác.

Trúc đem về sau khi chuốt sạch, chẻ thành những cọng nhỏ, đem phơi khô vài ngày cho nhẹ bớt. Công đoạn này cũng phải tỉ mỉ vì trúc rất bén, dễ đứt tay. Một ngôi sao năm cánh cần mười cọng trúc làm khung và năm cây nhỏ chắn ngang. Các bước thực hiện có thể khác nhau, nhưng thông thường là dùng dây chì nối mỗi bên năm cọng trúc làm thành hai khung hình sao. Sau đó, cắt dán giấy để trang trí cho từng ngôi sao, rồi ráp lại thành một chiếc lồng đèn. Đứa nào lười biếng chỉ làm tới đây, đứa nào siêng hơn thì dán giấy hết các cánh sao, chừa lại hai khe hở để bỏ đèn cầy và thông gió. Ngoài ra, mấy đứa con gái khéo tay còn làm mấy cái bông giấy nhỏ nhỏ, tròn tròn dán vào năm cánh sao cho đẹp mắt. Hoặc có khi làm thêm một vòng tròn lớn bao quanh các cánh sao cho thêm phần cầu kỳ.

Nhiều đứa có anh chị lớn hay nhờ vả làm giúp những chiếc lồng đèn thật lạ, thật đẹp. Nhà tôi chỉ có một mình, mà ba mẹ cũng hiếm khi làm đồ chơi cho tôi, nên tôi tự làm lấy. Xóm đa phần con nhà nghèo, bọn tôi làm gì có tiền để mua đèn cầy. Thế là phải xin tiền ba mẹ, nghe vài câu la mắng, riết rồi quen.

Ngoài lồng đèn, bọn tôi còn nghĩ ra nhiều món đồ chơi khác. Tôi và vài đứa nữa đi lượm những trái mù u già rụng xuống đất. Bọn tôi mang về nhà đập vỏ, lấy hạt. Hạt mù u tròn vo, màu vàng tươi rất đẹp, chứa đầy mủ. (Mùa hè, tôi hay lấy mủ mù u vo tròn dán lên một cây dài bắt ve ve.) Sau khi tách những hạt mù u ra, bọn tôi dùng dao cắt thành những miếng nhỏ, đem phơi độ vài ba ngày nắng cho thật khô, rồi xỏ chùm lại với nhau. Thường mỗi đứa xỏ khoảng từ ba tới năm chùm, đủ đốt cho một buổi tối.

Có đứa không làm lồng đèn hay xâu mù u thì làm những chiếc xe lăn. Vật liệu: cần hai hộp sữa bò và một cây căm xe đạp. Một hộp làm bánh xe, đục hai lỗ trên nắp, dùng căm xỏ ngang. Phần căm dư bẽ thẳng đứng một góc 90 độ, rồi chĩa ngang bụng hộp còn lại — một nắp khoéc trống bỏ đèn cầy, nắp kia đục thành nhiều lỗ nhỏ trang trí. Khi lăn, bánh xe sẽ làm hộp phía trên xoay tròn, hắt ra tia sáng tạo thành những hình thù in trên đất. Để thêm phần sáng tạo, bọn tôi còn gắn đồng xu vào bánh xe, nghe lon ton thật vui tai.

Ngày Trung Thu, con nít cả xóm tụ lại, thi nhau khoe những chiếc lồng đèn mới xinh, những chiếc xe lăn chở đầy tia sáng, hay những xâu mù u đốt cháy cả ước mơ của một thời thơ dại…

Thế rồi chỉ vài năm sau, xã hội phát triển, lồng đèn nhựa được bày bán khắp nơi. Ít còn ai màng đến việc làm những chiếc lồng đèn thủ công. Lồng đèn bây giờ có đủ loại, nhiều hình thù, màu sắc, phát ra ánh sáng chói lọi. Có cái còn réo rắt âm thanh, xua đi những năm tháng mơ mộng.

Tình bạn

Nếu cuộc đời là một quãng đường thì ai cũng cần có những người bạn đồng hành. Tôi cũng đang bước đi trên con đường của mình, đã gặp được những người bạn.

Có những tình bạn ngắn ngủi, gặp nhau chỉ thoáng qua và không chung nhau nhiều kỷ niệm. Cũng có khi đi cùng ai đó một đoạn đường dài, chia sẻ bao buồn vui, hoài bão. Những người bạn thường, giới thiệu các mối quan hệ, giúp đỡ một công việc mới hay đơn giản chỉ gặp nhau chào hỏi, uống dăm ba ly nước. Có họ, cuộc sống thêm phong phú, đa dạng. Mà những ai có quá nhiều bạn, thực ra họ không có lấy một người. Những người bạn thân là nơi để tôi gửi gắm tâm sự và tìm lời động viên mỗi khi thất bại trong cuộc sống. Họ luôn truyền nghị lực giúp tôi đi tiếp. Và tôi cũng may mắn từng có một người bạn tri kỷ tâm giao, cùng chia ngọt sẻ bùi.

Nhưng rồi, tất cả các mối quan hệ đều dễ dàng rạn nứt, đổ vỡ. Bởi lẽ, mỗi chúng ta sống trong vỏ bọc, lúc nào cũng đề phòng, khó chia sẻ và ít quan tâm nhau. Chúng ta không đến với nhau bởi lòng chân thành và luôn có một khoảng cách. Ai cũng có những kế hoạch, những hướng đi, những người bạn mới. Đúng vậy không bạn?

Đôi khi tôi thấy mình quá sâu sắc, quá xem trọng mọi thứ để rồi lần lượt đẩy những người thân thiết nhất rời xa mình. Tôi đã làm như vậy, với tất cả mọi người. Biết một ngày, có còn ai sẽ đưa tiễn tôi những bước cuối cùng?

Tiếng Việt

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời
Người ơi…
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi!
(“Tiếng nước tôi” – Phạm Duy)

Tôi không biết mình bắt đầu biết nói khi nào, cũng không biết từ bao giờ tôi đã yêu tiếng Việt. Tiếng Việt nhẹ nhàng, trầm bổng, thân thương và gần gũi. Chỉ mấy tiếng bập bẹ “ba ba” của trẻ thơ, ắt hẳn ba mẹ chúng khi nghe sẽ hạnh phúc lắm.

Ba mẹ sinh ra tôi, tài sản lớn lao nhất mà hai đấng sinh thành cho tôi chính là ngôn ngữ đầu đời. Từ nhỏ, tôi đã không được sống trong sự giàu có về vật chất. Ba mẹ tôi cũng không phải là nghệ sỹ để cho tôi những giá trị về tinh thần. Nhưng tôi cảm nhận được sự trong sáng, giàu tính tượng hình, tượng thanh của tiếng Việt. Cho nên tôi càng yêu quý, giữ gìn.

Ký ức về những ngày đi học giờ rất mờ nhạt. Tôi có thể mường tượng những ngày đầu tiên, chắc khó khăn lắm mới nắn nót được a bê xê. Rồi tôi cũng biết đọc, biết viết. Ai đi học chắc vẫn còn nhớ những năm tháng học trò phải vật lộn với môn chính tả. Tiếng Việt của tôi cũng rất dở, nhưng tôi luôn cố gắng sửa chữa mỗi ngày. Để học một chữ, tôi phải hình dung trong đầu về một khung cảnh nào đó. Căn nhà — lúc đầu chỉ nghĩ tới mấy cây cột, vách ngăn, mái che, giường ngủ. Lớn thêm chút thì biết đó là chỗ che nắng che mưa. Giờ mới thấu hiểu đó là mái ấm gia đình, nơi nuôi tôi khôn lớn; là bếp lửa mẹ nấu cơm, là chỗ ba tôi sửa xe, cạnh chiếc võng tôi nằm mỗi ngày. Và ở nơi đó, ba mẹ luôn chờ đợi tôi về, dù tôi có đi bao xa, ba mẹ đợi bao lâu.

Tôi còn nhớ môn học tiếng Việt mà ai cũng ghét. Hồi đó tôi cũng nghĩ: tiếng Việt thì ai chả nói được, sao phải học viết văn, học ngữ pháp? Nhớ những bài thơ cổ xưa, những áng văn khô khan mà mình vẫn phải học. Có hiểu gì đâu mà phân tích, bình luận. Tôi thừa nhận từng nghĩ làm văn là nói láo. Nhưng nói láo thế nào để thuyết phục người đọc thì trước hết việc vận dụng ngôn ngữ phải thật khéo léo và sáng tạo.

Lên cấp phổ thông, ngôn ngữ lẽ ra đã chỉn chu, kiến thức đã vững vàng, bắt đầu có thể đọc hiểu tài liệu khoa học, biết viết những văn bản hoàn chỉnh. Nhưng kỳ thực, không phải ai cũng đạt được điều tưởng chừng đơn giản đó.

Tiếng Việt ngày nay hỗn độn và lai căng, nghĩ càng buồn. Ngày xưa đời sống còn nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng tổ tiên ta đã khơi nguồn và lưu truyền ngôn ngữ tinh hoa ấy. Thế hệ con cháu lẽ ra phải bảo tồn và làm phong phú tiếng dân tộc. Vậy mà…

Tôi không thích viết tắt. Bởi vì viết tắt chỉ tiết kiệm cho riêng cá nhân người viết một lượng thời gian không đáng kể, lại làm mất thời gian của rất nhiều người đọc. Giống như việc bạn đến trễ một phút sẽ làm mất cả một giờ của sáu mươi người tham dự cuộc họp.

Tôi cũng không hài lòng ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay. Nhìn những dòng chữ nhăn cuội thật lạnh lùng, vô nghĩa. Tôi có thể động não để đọc hiểu những điều họ viết. Nhưng thử hỏi một người nhà quê, hay một anh kỹ sư nước ngoài học tiếng Việt, liệu có biết được họ đang vấp phải ngôn ngữ gì?

Ôi, sự đời sao có những điều ngán ngẫm!

Mưa hạ

Sáng nay đi làm, ngồi nhìn cơn mưa rơi tí tách từ khung cửa sổ xe buýt, tôi mơn man nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Sáu năm sống vội ở Sài Gòn, ngày qua mau đêm chóng tàn, không đọng lại nhiều ký ức. Mưa Sài Gòn, những cơn mưa ào ạt. Tôi lúc nào cũng vội vã, chen chúc từng khoảng trống trên đường để mau chóng về đến nhà. Rồi chui rút và cuộn mình, vui mừng vì vừa thoát khỏi cơn mưa bất chợt.

Nhớ hồi nhỏ, tôi thỉnh thoảng về quê ngoại. Quê ngoại nghèo, nằm sâu hun hút, đung đưa cầu khỉ. Muốn đi phải lặn lội qua bao ruộng mía, vườn dừa, bờ chuối… tưởng chừng lâu lắm mới có người đi ngang. Nhìn mấy cây dừa già khằn đứng trọi lõi, thân hằn sâu vết tích những viên đạn thời xưa như những con mắt dõi theo vết chân người. Những liếp mía xanh rì mọng nước, gió vi vu làm những chiếc lá cọ vào nhau nghe rờn rợn. Những bụi chuối um tùm, lá cụp xuống tựa những bàn tay muốn níu với. Mấy mùa nước lớn phải lội qua dăm ba cái vũng nhỏ vì cây cầu tạm bợ cũng trôi mất. Ấy vậy mà tôi rất ham; lâu lâu được về ngoại là trong lòng nao nao, thích lắm.

Nhà ngoại chẳng có vườn cây trái gì đặc biệt, ngoài mấy cây mận hoang ngoài bờ. Hồi đó, tôi đâu có được đặc quyền gì, mọi người chỉ xem tôi như một thằng bé, không hơn không kém. Tôi cũng hay nghịch phá, hay kiếm cớ đi câu cá bóng dừa, đi nhá tép. Chỗ nào cũng lạ lẫm, mà thấy thân thuộc lạ lùng. Mấy hôm gan lì hơn một chút, tôi hay xuống nhà cậu Tư chơi. Nhà cậu có cây mận rất to ở phía sau và cây ổi say trái phía trước. Thi thoảng, tôi còn lén xuống ghe tập bơi; tập hoài cũng không bơi được. Chiếc ghe cứ quay vòng vòng không đi xa hơn. Người lớn bắt gặp hay la mắng, hù dọa. Rủi ghe chìm, tôi không biết phải làm sao. Vậy mà cứ mê, nằm chờ không ai chú ý là lại mò xuống ghe chơi. Ai thấy thì chối bay bảy – “Con chỉ ngồi chơi, chứ có làm gì đâu?”

Nhà ngoại mấy khi có đám giỗ, con cháu tập trung rất đông, cả trăm người. Con nít cũng nhiều, mà tôi thì đâu có quen ai, chỉ biết mỗi con dì Sáu và con dì Út. Mà tôi cũng ít được chơi cùng hai đứa đó, chắc có lẽ vì tôi nhỏ tuổi hơn. Thế là cứ thui thủi một mình.

Những lúc khác, nhà ngoại vắng tanh, tới lui chỉ có hai ông bà. Mẹ tôi thường xuống nhà dì Út chuyện trò, còn tôi thì nằm một mình trên võng. Nhớ lúc mưa tầm tã, trời tối đen như mực, hơi nước tạt vào nghe lạnh cả người. Lúc ấy còn nhỏ quá, tôi đâu biết nghĩ ngợi gì đến tương lai — sau này mình sẽ đi những đâu, làm những gì. Cứ nằm im nhìn những hạt mưa rơi rất nhanh, đâu có chờ đợi chi. Đôi lúc tôi tự hỏi: mưa rơi thành sợi, hay mưa rơi từng hạt?

Nước tràn vào tới thềm nhà, nước đục ngầu vì bùn đất. Tôi thích nhất là nhìn những bong bóng nước tạo thành do hạt mưa rơi xuống. Rồi hạt kế tiếp rơi, làm bong bóng vỡ tan. Cái này vỡ thì cái khác nổi lên. Cứ như thế. Xa xa văng vẳng tiếng ễnh ương nghe não ruột. Mà tôi cũng chưa biết buồn.

Tôi đang mơ giấc mơ dài

Tôi có một ước mơ về nước Mỹ. Tôi chưa bao giờ giấu diếm điều đó. Con đường để tôi biến ước mơ thành hiện thực vẫn còn rất dài phía trước. Nhưng tôi biết chắc mình sẽ bước tới và vẫn ấp ủ niềm tin.

Tôi rời khỏi Sài Gòn vào một ngày đầu tháng 11/2008. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn với tôi nói riêng và với mọi người nói chung. Lúc đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan nhanh khắp nơi trên thế giới. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Rất nhiều công ty phá sản, số lượng công nhân thất nghiệp tăng cao. Các công ty tư nhân bắt đầu giảm biên chế, điều chỉnh cơ cấu và cắt lương nhân viên. Tất cả hỗn độn như một mớ bòng bong. Tuy không trực tiếp bị ảnh hưởng, nhưng tôi vẫn quyết tâm ra đi, bỏ mặc những lời cảnh báo và hồ nghi. Hành lý mang theo chỉ vài bộ đồ, một máy tính xách tay và một cặp loa. Tôi sống không thể thiếu âm nhạc.

Ngày đầu đặt chân sang một quốc gia tiến bộ, bao háo hức và khát vọng chờ đợi. Thật may mắn cho tôi có được một cô bạn thân, nhỏ nhắn và tử tế, ra đón tận sân bay. Nhờ được chuẩn bị chu đáo nên không có sự cố gì xảy ra. Hai chúng tôi đón một chiếc taxi về nhà. Trên đường, bạn tôi giới thiệu sơ nét về Singapore. Đâu đâu tôi cũng thấy cây cối xanh tươi, hoa nở rực rỡ. Nhìn cuộc sống chan chứa như vậy, niềm hy vọng trong tôi càng thêm dâng cao. Với những khu đồi nhỏ khắp nơi, Singapore được so sánh như thành phố Đà Lạt. Điểm khác biệt là ở đây nhiệt độ khá nóng bức, chứ không mát mẻ… Đến nơi quá ngọ, mọi người ở nhà đang chờ. Sau khi được giới thiệu qua loa, tôi đi ăn trưa cùng cả nhà. Hôm ấy thật là vui, mọi thứ đều mới mẻ, và tôi được chiêu đãi miễn phí.

Tuần lễ đầu tiên, tôi dành để tìm hiểu môi trường sống mới. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người, tôi cũng nhanh chóng hòa nhập với sinh hoạt ở đây. Nhưng ít ai biết được, những lo lắng vẫn canh cánh bên lòng. Lúc đấy trong túi tôi chỉ vỏn vẹn S$800, mà tiền thuê nhà đã mất S$300/tháng rồi. Ai gặp cũng khuyên lơi và bảo thời điểm này không thích hợp để tìm việc, vì các công ty lớn nhỏ đều cắt giảm số nhân viên nước ngoài. Tuy nhiên, không hiểu sao trong lòng tôi vẫn có niềm tin vào một sự may mắn nào đó. Có lẽ những ngày tháng vất vả trước đây ít nhiều cũng giúp tôi tin tưởng vào cuộc sống. Tôi đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, nên thử thách trước mắt không làm tôi chùn bước. Con người thật khó sống nếu không còn niềm tin.

Hằng ngày, tôi đều ăn mì gói để tiết kiệm chi tiêu. Công việc tẻ nhạt sau khi no bụng là truy cập vào các trang kiếm việc để nộp hồ sơ. Sau hơn hai tuần, tôi nhận được vài cú điện thoại của các công ty tuyển dụng. Tôi được hẹn phỏng vấn và nhanh chóng có được công việc đầu tiên. Hợp đồng ngắn hạn (chỉ một tháng), lương ít ỏi, nhưng cũng giúp tôi cân bằng ngân sách để tiếp tục tìm những việc tiếp theo. Và cuộc sống như vậy tiếp diễn. (Mời xem bài Kinh nghiệm tìm việc ở Singapore.)

Môi trường sống ở Singapore có rất nhiều thứ để tôi học hỏi và rèn luyện. Tôi biết quan tâm tới những người xung quanh khi ra đường; sự hiện diện của mình cũng được người khác tôn trọng. Ở đây, tôi không bị chi phối bởi những điều nhỏ nhặt và có thời gian làm những việc có ý nghĩa.

Môi trường làm việc khá tốt, ai cũng có việc riêng, ít nói chuyện phiếm. Có hai điều làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi quyết định sống lâu dài ở đây. Thứ nhất là về ngôn ngữ. Tiếng Anh của người Singapore thật khác xa với những gì tôi học được. Nhiều lúc nghe thật buồn cười, nhưng biết làm sao được, ngôn ngữ của người ta mà. Thật sự, tôi cũng không gặp vấn đề gì lớn trong giao tiếp — tôi hiểu hầu hết những gì nghe được. Nhưng tôi rất ngại khi nói chuyện, có lẽ một phần vì tôi sợ cách phát âm của mình sẽ bị ảnh hưởng. Thế là tôi tự khép mình trong một cái hộp, quan sát và chờ đợi. Mấy ai biết được, ẩn nấp trong đấy là cả một sự hóm hĩnh và hoạt bát hiếm có… Thứ hai là về công việc. Ứng dụng CNTT rất phát triển ở Singapore, đáp ứng mọi mặt nhu cầu cuộc sống. Mọi người dễ dàng tiếp cận với những tiện ích và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, ngành sản xuất CNTT, theo tôi, còn khá chậm so với các quốc gia khác trong khu vực. Các công ty Singapore phần lớn làm những dự án của chính phủ hoặc cho các công ty nội địa khác. Do có thị trường nhỏ, mức sống cao nên rất ít công ty nước ngoài mở chi nhánh gia công ở đây. Nguồn nhân lực phát triển CNTT nhìn chung còn khá trẻ, nhưng lại ít quan tâm tới những kỹ thuật mới. Đa phần họ chỉ chuyên một lĩnh vực nào đấy, cũng ít đam mê tìm tòi như thế hệ trẻ ở Việt Nam. Tới nay tôi đã làm cho bốn công ty Singapore, công việc hằng ngày khá đơn giản, không có gì thách thức. Tuy ít có cơ hội để áp dụng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, nhưng điểm thuận lợi là tôi có thời gian để nghiên cứu những điều mình quan tâm. Chắc chắn nó sẽ hữu ích trong tương lai.