Buổi sáng ảm đạm

8g sáng bước chân ra khỏi nhà, trời tối mịt nhưng không mưa, gió thổi mạnh, vài ánh nhìn hồ nghi. Tôi đưa mắt liếc nhìn đồng hồ cứ ngỡ mới tầm 5g. Đi một đoạn ngang qua cầu vượt dành cho người đi bộ, tôi nhìn xuống thấy tất cả xe hơi đều bật đèn. Mọi thứ trông hệt như cảnh phim về một thảm họa sắp xảy đến.

À không, hôm nay Apple sẽ phát hành điện thoại iPhone 4 thông qua ba mạng viễn thông SingTel, StarHub và M1. Tối qua đi làm về ghé EpiCentre@ION Orchard, được biết các cửa hàng phân phối sản phẩm Apple chưa bán phiên bản không khóa mạng trong đợt đầu. Kiểm tra trang Apple Online Store (Singapore) cũng chưa thấy cập nhật gì. Vậy là tôi phải chờ đợi thêm một thời gian nữa mới mua được chiếc điện thoại mới nhất này.

Mấy tuần nay, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là tin đồn iPhone 4 bị lỗi thiết kế ăng-ten. Trước khi sở hữu iPhone, tôi chưa bao giờ thích thú khi sử dụng điện thoại. Chẳng qua là để giữ liên lạc với thế giới bên ngoài. Tôi yêu thích iPhone vì tin tưởng hoàn toàn vào chất lượng, giá trị và sự tiện dụng của nó. Tôi không tin iPhone chẳng có một tính năng nào làm bạn hứng thú so với tất cả các điện thoại khác. Vậy phải chăng do bạn không có điều kiện tiếp cận nên còn đang phân vân và đồn đại?

Advertisement

Du lịch Singapore: ngày một

Tiếp theo bài viết về kinh nghiệm tìm việc ở Singapore được vài người đọc ủng hộ, tôi xin mạn phép chia sẻ những gợi ý cho một chuyến du lịch đến đảo quốc sư tử.

Ngày nay, khi môi trường làm việc ngày càng chật chội và căng thẳng, nhu cầu du lịch càng tăng cao. Tiềm năng du lịch của Việt Nam là vô cùng, nhưng có lẽ chính chất lượng dịch vụ đánh đu làm nản lòng nhiều du khách. Hơn nữa, du lịch nước ngoài, đặc biệt là sang các nước trong khu vực, đang trở thành xu thế hấp dẫn. Càng có nhiều người đến Singapore để chiêm nghiệm sự khác biệt ở giữa các nét văn hóa hội tụ, đồng thời thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Đất nước Singapore nhỏ bé, không có những danh lam thắng cảnh đặc sắc. Cái người ta tìm thấy ở đây là chất lượng dịch vụ, văn minh và hiện đại hóa.

Chuyến đi bắt đầu từ việc đặt vé máy bay. Trừ những ai rộng rãi về tài chính, nhiều người lựa chọn chính sách tiết kiệm cho chi phí đi lại. Tùy từng thời điểm, bạn có thể dễ dàng chọn được cặp vé khứ hồi với mức trên dưới hai triệu đồng (khoảng S$150) từ các hãng hàng không giá rẻ như: Tiger Airways (tigerairways.com), Jetstar Asia Airways (jetstar.com)… Lưu ý: khi đặt vé, nhớ xem kỹ lựa chọn hành lý ký gửi nếu bạn muốn mua sắm nhiều.

Hành khách là người Việt Nam chỉ cần mang hộ chiếu hợp lệ đến cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) sẽ được cấp phép xuất cảnh. Có một điều trái khoáy là trước khi làm thủ tục lên máy bay, các nhân viên sân bay yêu cầu bạn phải xuất trình vé chuyến về hoặc đi tiếp. Họ bảo đây là quy định từ phía nước bạn, mà trường hợp này là Singapore!? Tôi đã nhập cảnh vào Singapore rất nhiều lần nhưng chưa khi nào được yêu cầu phải xuất trình như vậy cả. Nếu hiểu theo quy định này, bạn sẽ không thể thực hiện một chuyến du lịch tự túc với ngày về chưa xác định.

Khi đến Singapore, thị thực sẽ được cấp ngay tại cửa khẩu. Visa du lịch cho phép bạn lưu trú trong vòng 30 ngày. Cũng xin nhắc nhở, lúc trên máy bay, tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn tờ khai nhập cảnh, gọi là Immigration White Card (IMM27). Bạn nên tranh thủ điền đầy đủ thông tin để khỏi phải mất thời gian về sau. Quá trình làm thủ tục nhập cảnh rất mau lẹ và khách quan. Sau đó, bạn nhận lại hành lý ký gửi (nếu có) trước khi rời khỏi sân bay vào thành phố.

Giao thông công cộng ở Singapore vô cùng thuận tiện với hệ thống xe buýt, xe điện (MRT) và taxi. Thông thường, chuyến xe buýt và xe điện cuối cùng rời ga vào lúc 11g30 tối. Trạm xe điện nằm ở Terminal 2, Changi Airport. Bạn có thể mua vé một lượt (standard ticket) hoặc nhiều lượt (EZ-Link card) tại quầy vé. Nếu chưa quen với hệ thống giao thông và đường sá, bạn có thể nhanh chóng đón taxi vào thành phố. Taxi ở đây lịch sự và đáng tin cậy; bạn không phải lo mặc cả về chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, nếu đi sau 12g đêm đến 6g sáng, bạn sẽ phải trả thêm phụ phí.

Ngày đầu tiên, bạn có thể tham quan đảo Sentosa. Đây là một đảo nhỏ nhân tạo nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút. Bạn nên dành một ngày để khám phá hết các điểm du lịch trên đảo. Để đến đảo Sentosa, cách đơn giản nhất là mua vé xe điện trên không (Sentosa Express, giá hai lượt là S$6) tại VivoCity (sảnh L, lầu 3), nằm ngay HarbourFront MRT. Tại đây, bạn có thể mua vé cho các trò chơi trên đảo. Thông thường, bạn nên đến khoảng 9g sáng để khỏi phải xếp hàng lâu. Ban ngày thích hợp để đi dạo bờ biển, chụp ảnh kỷ niệm, và tham quan các điểm như: Imbiah Lookout (The Merlion – S$8, Images of Singapore – S$10, Sentosa 4D Magix – S$18, nhớ xem phim Extreme Log Ride), Siloso Point (Underwater World Singapore and Dolphin Lagoon – S$22.90) và Resorts World Sentosa (Universal Studios Singapore – S$66-72). Buổi tối có hai xuất xem nhạc nước hoành tráng (Songs of the Sea – S$10) vào lúc 7g40 và 8g40. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin và đặt vé qua mạng tại sentosa.com.sg.

Sau khi xem nhạc nước trở về, thật không còn gì bằng thưởng thức đặc sản cháo ếch tại khu Geylang. Cháo được nấu nhừ, đặc quánh, ăn cùng ếch kho với hành lá và ớt khô. Từ Kallang MRT đi dọc theo đại lộ Sims Ave, cắt ngang bởi vô số các con đường nhỏ từ Lorong 1 đến Lorong 42 Geylang, bạn sẽ bắt gặp nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn, câu lạc bộ và cả các quán nhậu ven đường. Sinh hoạt về đêm nơi đây thật náo nhiệt với đa số là người dân lao động. (Nhiều người gọi nơi này là “khu đèn đỏ.”) Bạn có thể thử quán cháo ếch trên đường Lorong 11 Geylang. Quán khá nhỏ, giá cả phải chăng, phục vụ rất mau lẹ. Với khoảng S$50 đủ cho nhóm từ 2-4 người (giá tham khảo: S$8/con ếch, mua 3 tặng 1: giá S$22, mua 4 tặng 3: giá S$30). Ngoài ra, đầu đường Lorong 1 Geylang còn có một quán lớn khá nổi tiếng, thực đơn đa dạng, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn những thực khách khó tính nhất.

(Còn tiếp…)

Kinh nghiệm tìm việc ở Singapore

Thời gian đầu qua Singapore, bạn bè thường hỏi thăm cách thức tôi tìm việc. Quy trình có dễ dàng không? Có tốn kém gì không? Tôi sẵn sàng tư vấn cho mọi người. Mà nói đúng hơn là chia sẻ một chút kinh nghiệm trong việc này, chứ thật ra bản thân tôi cũng chẳng có thành tựu gì.

Theo tôi biết thì bất cứ ai có đủ bằng cấp và kinh nghiệm làm việc đều có thể xin việc ở Singapore. Nhưng dễ dàng nhất là những người làm việc ngành công nghệ thông tin — vì bản chất ngành này có vài điểm thuận lợi như sau. Thứ nhất, có thể nói về cơ bản, kỹ thuật và công nghệ máy tính không khác biệt giữa các công ty ở bất cứ nơi nào. Thứ hai, chuyên gia CNTT có nhiều điều kiện để tiếp xúc với ngoại ngữ (tiếng Anh), ít nhất là đọc hiểu tài liệu. Ngành CNTT cũng có nhiều nhánh như: thiết kế đồ hoạ, lập trình Flash (ActionScript), lập trình giao diện (XHTML/CSS/JS), lập trình web và ứng dụng (Java, .NET, PHP/MySQL), quản lý mạng… Dễ kiếm việc nhất là lập trình web.

Đấy là vài nét sơ lược để bạn hình dung được thị trường lao động ở Singapore. Một khi đã đủ tự tin, mời bạn đọc tiếp.

Ai cũng muốn tìm việc từ lúc còn ở trong nước, để đến khi qua Singapore sẽ bắt đầu làm việc ngay, vừa tiết kiệm được thời gian và tiền của. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Trước hết, bạn cần bắt tay vào việc chuẩn bị. Hồ sơ xin việc đầy đủ gồm có: sơ yếu lý lịch tự viết (resumé), tuyển tập giới thiệu các dự án đã làm (portfolio) và thư giới thiệu (cover letter). Sau khi hoàn tất, bạn có thể tạo tài khoản miễn phí và đăng hồ sơ ở các trang web tuyển dụng: Monster Singapore (monster.com.sg), JobsDB Singapore (jobsdb.com.sg), JobStreet Singapore (jobstreet.com.sg), JobsCentral (jobscentral.com.sg)… Tôi khuyên bạn nên đăng hồ sơ khoảng hai tháng, ít nhất mỗi tuần nên cập nhật một lần. Ở Singapore, phần lớn việc tuyển dụng đều thông qua một trung tâm dịch vụ việc làm (job agency). Nếu hồ sơ bạn cập nhật thường xuyên thì xác suất được chú ý càng cao. Theo kinh nghiệm của tôi thì rất khó để bạn được gọi phỏng vấn nếu không có mặt ở Singapore. Khi một công ty cần nhân sự cho vị trí mới, họ sẽ gửi yêu cầu tới nhiều công ty dịch vụ khác nhau. Từ đó, mỗi công ty dịch vụ sẽ bắt đầu tìm hồ sơ từ nhiều nguồn. Nên sự hiện diện của bạn ở Singapore là rất cần thiết. Nếu không, hồ sơ của bạn có thể sẽ bị bỏ qua.

Sau hai tháng chờ đợi không có tin tức gì, tôi khuyên bạn nên bay qua đây để tìm việc. Visa du lịch cho phép lưu trú trong vòng 30 ngày. Bạn cần chuẩn bị chi phí để trang trải cho việc đi lại và ăn ở. Tùy mức sinh hoạt mỗi người, nhưng với chi phí một ngàn đô Singapore, bạn có thể gói gém trong vòng một tháng ở đây. Trước khi đi, bạn cần mang theo các giấy tờ cơ bản: hộ chiếu, hình thẻ 4×6, bằng cấp, học bạ, bản sao giấy khai sinh (không cần thiết lắm, có vẫn tốt hơn). Lưu ý: tất cả giấy tờ phải được dịch sang tiếng Anh (nếu bản gốc bằng tiếng Việt).

Đặt chân đến Singapore, nhiệm vụ của bạn là lao vào tìm việc. Mỗi ngày bạn chỉ việc đăng nhập vào các trang web tuyển dụng để cập nhật và gửi hồ sơ xin việc qua email. Theo tôi, quá trình này nhanh hay chậm là tùy vào may mắn của từng người. (Dù bạn có đủ năng lực, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc, hồ sơ của bạn cũng chưa chắc được chú ý.) Các công ty dịch vụ làm việc khá chuyên nghiệp. Nếu hồ sơ của bạn thỏa đáng, họ sẽ gọi để hỏi thêm thông tin và mức lương yêu cầu. Sau đó, họ sẽ sắp xếp cho bạn phỏng vấn với công ty khách hàng. Bạn yên tâm sẽ được nhắc nhở và thông tin đầy đủ. Sau khi có kết quả phỏng vấn thành công, họ sẽ hướng dẫn bạn làm các thủ tục xin giấy phép làm việc (work pass). Làm việc cấp chuyên gia có hai loại chính: S Pass và Employment Pass (gồm 3 nhóm: Q1, P1 và P2). Tùy theo mức lương cơ bản, số năm kinh nghiệm và bằng cấp mà bạn sẽ được cấp visa thích hợp.

Nếu trong một tháng bạn chưa tìm được việc làm hoặc hồ sơ xin việc chưa hoàn tất, bạn có thể xin gia hạn visa du lịch thêm 30 ngày hoặc phải rời khỏi Singapore và quay lại sau 5 ngày.

Bạn có thể tham khảo thông tin về các loại giấy phép làm việc, quyền lợi và nghĩa vụ tại các trang web: Ministry of Manpower Singapore (MOM) (mom.gov.sg), Immigration & Checkpoints Authority of Singapore (ICA) (ica.gov.sg), Inland Revenue Authority of Singapore (IRAS) (iras.gov.sg).

Chúc bạn may mắn!

Những chuyến bay

Mấy tháng gần đây do công việc, tôi phải đi về giữa Việt Nam và Singapore một cách thường xuyên. Hầu như tháng nào cũng phải sắp xếp chuyến đi. Thời gian bay tuy ngắn nhưng cả công đoạn trước và sau nhiều khi cũng phiền toái, mệt mỏi.

Đầu tiên là việc mua vé. Để tiết kiệm, tôi phải lên kế hoạch từ trước, tốt nhất là hai tháng. Mọi giao dịch đều qua mạng, nên việc điền thông tin thật chính xác cũng đòi hỏi sự tập trung. Bút sa gà chết mà.

Thứ hai là ngày khởi hành. Trước đó một tuần, tôi đã bắt đầu hồi hộp chờ đợi. Đến ngày bay thì sự lo âu kéo dài nên mọi sinh hoạt cũng xáo trộn đôi chút. Đón xe đến sân bay sớm thì chẳng nói, đi đúng giờ thì cứ sợ trễ chuyến. Tuy chưa lần nào gặp sự cố này, nhưng tâm lý chung là cứ thấp thỏm cho chắc. Nghĩ thật buồn cười!

Thứ ba là sợ hành lý quá cân. Nói thẳng ra là tôi chẳng có mang gì nhiều, nhưng bạn bè nhờ vả nên cũng hơi e ngại. Lúc nhờ thì dường như rất gọn gẽ, nhẹ nhàng nhưng cuối cùng thì thêm thắt vài món. Tôi không việc gì phải bắt bớ hay khó khăn với ai, nhưng xem trọng chữ tín. Tôi quý bạn, một khi đã nhận lời rồi thì sẽ giao nhận nhiệt tình. Nhưng bạn cũng nên tính toán kỹ xem những gì mình gởi có đúng như hứa hẹn ban đầu không nhé. Có vậy thì không ai phiền ai.

Cuối cùng, khi đã lên máy bay thì sợ máy bay rớt. Tôi chẳng sợ chết đâu, chỉ sợ máy bay rơi thôi…

Sau khi hạ cánh và ra khỏi nhà chờ, nhìn những đôi mắt lấp lánh, những nụ cười mừng rỡ và những cánh tay vẫy chào, lòng tôi thật hứng khởi vô cùng. Họ là những người xa lạ, cũng không phải đến đón tôi, nhưng tôi vẫn cứ thấy vui. Vì biết rằng về đến nhà thì người thân vẫn đón chờ tôi như vậy.

Buổi sáng

Buổi sáng thức dậy, 7g30, vội vội vàng vàng hoàn thành những việc cá nhân chán ngắt: đánh răng, tắm rửa, ủi đồ, thay đồ và đi làm. Hôm nay muộn quá nên đành bỏ bữa sáng. Dấu hiệu đi trễ lại nhen nhóm từ mấy ngày nay.

Quãng đường đến trạm xe buýt vẫn im ắng như mọi ngày. Nhớ lúc còn ở Việt Nam, gần khu cư xá Bắc Hải, tầm 5-6g sáng đã nghe ồn ào tiếng xe cộ không bao giờ ngớt. Nhìn qua khung cửa ánh sáng đã rọi vào gian phòng. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy rõ những hạt bụi li ti đùa giỡn khắp nơi, rất nhiều trong số đó sẽ chui tọt vào phổi và định cư ở đó. Vẫn còn nhớ những ngày thơ bé cắp sách đến trường. Khuya nào cũng vậy, cứ 4g30 là ba gọi thức dậy để chuẩn bị bài cho buổi học hôm đó. Nhiều hôm mệt quá cứ nằm nướng luôn tới sáng. Vô lớp sẽ được trải qua những giây phút hồi hộp sợ gọi trả bài.

Vi vu đạp xe đến trường là xếp hàng vào lớp luôn. Ngày nào cũng vậy, cũng chiếc xe đạp cũ trên con đường uốn lượn cặp mé sông một bên là vườn cây xanh mát, tôi véo von chở những kỷ niệm êm đềm cùng trang sách, mái trường, thầy cô, bạn bè, gia đình, và cả những ngày tháng ít lo toan, nhiều mơ mộng. Giờ ngồi ngẫm lại chỉ thấy bồi hồi.

Nhiều người gặp cứ hỏi, tôi đi có ngày trở lại? Biết nói thế nào đây? Trong tôi vẫn còn đấy biết bao kỷ niệm về một quê hương yên bình. Nhưng bạn có biết không, cuộc sống vội vã, đua chen ở thành phố đầy rẫy cạm bẫy không còn phù hợp với tôi. Tôi không chối bỏ và cũng không biết làm gì để thay đổi tốt hơn. Vậy nên tôi đi. Thế, tôi có chạnh lòng không? Thưa không, vì tôi vẫn mỉm cười khi gặp mọi người. Nụ cười cho thấy tôi yêu quý cuộc sống này, biết bao.

Tản mạn

Đã lâu rồi không viết. Mà cũng chẳng biết viết gì, viết từ đâu. Đọc thì nhiều, chứ thói quen ngồi xuống viết một cái gì đó thì quá khó. Hay do tật lười biếng lâu ngày đã hết thuốc chữa rồi cũng nên?!

Do dự thứ nhất là ngôn ngữ. Bạn bè tuy đa số là người cùng dân tộc, nhưng cũng có vài người nước ngoài. Viết tiếng Việt thì sao họ hiểu đây? Mặt khác, tôi lại muốn vận dụng tiếng Anh, cố gắng thành thạo đến mức có thể. Tôi ghét nhất là kiểu nói nửa nạc nửa mỡ của đại đa số giới trẻ ngày nay. Nói điều này nhiều người sẽ không thích nghe nhưng thực chất là vậy. Bài học về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không mấy người mảy may để ý. Riêng tôi, chẳng bao giờ nhìn nhận một người chêm vài từ tiếng Anh vào câu nói là sành điệu. Thật là ngượng miệng vô cùng!

Mà thôi, quay trở lại vấn đề chính — ngôn ngữ. Tôi biết mình không giỏi tiếng Anh, nên tốt nhất rèn luyện những thứ có sẵn thì hay hơn. Tôi rất yêu quý tiếng Việt, như yêu từ lúc mới ra đời. Xã hội, cuộc sống trước đây… có quá nhiều thứ làm tôi nản lòng. Nhưng chưa bao giờ tôi thôi yêu tiếng Việt cả. Nói bạn nghe, hồi còn học phổ thông, tôi mê nhạc nước ngoài lắm. Một phần lúc đấy nhạc nước ngoài quá hay, một phần vì chạy theo mốt. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những ca khúc bất hủ, hay đôi khi dành thời gian nghe những bài hát mới của ca sĩ yêu thích. Nhưng tất cả đều không đọng lại nhiều. Với tôi, ca từ và ý thơ trong tiếng Việt quá tuyệt vời. Mà chỉ có ở đó, tôi mới cảm nhận được cái hồn của bài hát. Có lẽ tôi quá cổ hũ, chứ chẳng thể nào ép mình rung động theo một bài hát không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.

Do dự thứ hai là về thiết kế trang web. Ngẫm lại lúc còn học đại học, tôi vừa yêu thích thiết kế và lập trình. Thông thường ít người nào giỏi cùng lúc hai lĩnh vực, có thể nói là đối lập đó được. Một người giỏi về kỹ thuật sẽ khó có tư duy sáng tạo nghệ thuật. Tôi thì rất đam mê nghệ thuật, nhưng cũng thích tìm tòi học hỏi công nghệ. Thế mới khổ! May mắn là công việc đầu tiên tôi đã chọn lập trình. Tới giờ thì vẫn yêu thích công việc này, nhưng hiện tại chưa thỏa mãn khát khao chinh phục, cống hiến. Giờ làm việc tôi thường lướt web để tìm cảm hứng và đúc kết kinh nghiệm. Còn những lúc rảnh rỗi, không còn gì tuyệt vời bằng việc hòa mình vào âm nhạc. Thế là thời gian cứ trôi qua, tôi vẫn chưa hoàn thành một trang web ra hồn cho mình. Giải pháp im hơi lặng tiếng, bẵng đi một thời gian dài cũng không giải quyết được vấn đề mấu chốt. Nên tôi lại làm lại từ đầu. Lần thứ n rồi đấy.

Tự dưng thấy tiếng Việt mình dở hơi quá. Viết để người khác đọc thật khó. Thôi cứ từ từ vậy…